Thanh Hóa: Đầu tư hạ tầng du lịch và những vấn đề đặt ra
22/08/2021 | 09:30Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, du lịch là 1 trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, hơn 5 năm qua, tỉnh ta đã tập trung ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Nếu hạ tầng và cơ sở vật chất được ví như “xương sống” của ngành du lịch; thì giao thông được xem là “huyết mạch” giúp vận hành cỗ máy du lịch một cách trơn tru. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương là chủ yếu, tỉnh ta đã đầu tư hơn 1.238 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch tiềm năng. Điển hình như tuyến đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; cải tạo nâng cấp đường Hồ Xuân Hương đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài (TP Sầm Sơn); đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân và từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; dự án Quốc lộ 1A nối với Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Nghi Sơn), Bến En (Như Thanh), Lam Kinh (Thọ Xuân)...
Cùng với đó, tỉnh ta cũng ưu tiên đầu tư một số dự án quy mô nhỏ, nhưng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Điển hình như đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); đường kết nối các điểm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa, Bá Thước); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch... Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, các di tích quốc gia (giao thông, viễn thông, điện, nước, vệ sinh môi trường...) như Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc tiếp cận các điểm đến và hưởng thụ tài nguyên du lịch.
Đặc biệt, việc chú trọng đầu tư hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào các khu, điểm du lịch đã tạo tiền đề cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nhờ đó, du lịch Thanh Hóa trong 5 năm trở lại đây đã có nhiều sự khởi sắc đáng kể cả về diện mạo và vị thế. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh ước đón được 42.383.000 lượt khách, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015; tổng thu du lịch ước đạt 59.929 tỷ đồng, gấp 3,6 lần giai đoạn 2011-2015. Tính tại thời điểm năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh) và xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận và Quảng Nam).
Những kết quả đạt được đã rõ, tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, nhiều chỉ tiêu phát triển và nhất là nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Do đó, hệ thống hạ tầng du lịch Thanh Hóa so với nhiều tỉnh/thành vẫn chưa đồng bộ. Trong khi, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nằm cách xa nhau, dẫn đến việc kết nối và tiếp cận các điểm đến còn nhiều khó khăn, nhất là các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa; hạ tầng giao thông đường sông, đường biển phục vụ du lịch còn rất nghèo nàn; khả năng kết nối các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không vẫn chưa thật sự hiệu quả. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn thiếu và chất lượng vẫn ở mức “thường thường bậc trung”; chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, đẳng cấp cao... Điều này đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch, cũng như phát huy lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh thị phần du lịch của Thanh Hóa với nhiều tỉnh/thành trong nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định, phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, bên cạnh các giải pháp về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường du lịch...; thì việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch vừa là nhiệm vụ đặt ra, vừa là giải pháp trọng tâm. Theo đó, để tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng du lịch, trước hết cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường quan trọng như cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; các tuyến giao thông nội tỉnh kết nối các điểm du lịch tâm linh, sinh thái. Đồng thời, đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân (nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và trung tâm logistics) và mở thêm các đường bay thẳng từ Thanh Hóa đến các tỉnh/thành trong nước và một số nước trong khu vực.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng nước sâu ở Khu Kinh tế Nghi Sơn kết hợp với khai thác, phát triển tuyến du lịch đường biển; đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch đường sông; các khu du lịch sinh thái cộng đồng khu vực miền núi. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào (đường nội bộ, trung tâm đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, viễn thông...) các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En, Pù Luông, Suối cá Cẩm Lương... Đặc biệt, cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cần có cơ chế khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu, điểm du lịch...