Thanh Hoá: Đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao
28/06/2024 | 16:53Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.
Huyện Hoằng Hóa là địa phương của tỉnh Thanh Hoá có hệ thống thiết chế văn hoá thể thao (VHTT) được đầu tư tương đối đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở. Cấp huyện có Trung tâm VHTT gồm 1 nhà luyện tập, 1 nhà thi đấu, 2 sân quần vợt, 1 nhà trưng bày truyền thống, 1 trung tâm hội nghị diện tích 1.000m2.
Các thiết chế được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng, là nơi tổ chức nhiều hoạt động VHTT kết nối các xã, thị trấn. Mỗi năm tổ chức khoảng 20 - 25 chương trình văn hóa - văn nghệ; mở khoảng 5 lớp năng khiếu; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Huyện cũng đã hoàn thiện sân vận động với diện tích 20.000m2 gồm nhà thi đấu diện tích 1.587m2, 3 khán đài; 3 sân bóng chuyền, khu vui chơi giải trí cho người dân và các hoạt động thể thao ngoài trời. Sân bóng đá cấp huyện có diện tích 8.000m2, được xây dựng tường rào xung quanh, thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động thể thao cấp huyện, cấp cụm.
Thư viện huyện được xây dựng khang trang với kho sách phong phú gồm 12.818 đầu sách, báo; 10 máy tính kết nối internet đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Các thiết chế VHTT cấp xã cũng được hoàn thiện đồng bộ. Toàn huyện có 37/37 xã, thị trấn có trung tâm VHTT; có 239/243 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 195/243 khu thể thao thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn; 365 sân cầu lông; 190 sân bóng chuyền; 35 sân bóng rổ (tại các trường học); 80 bàn bóng bàn; 280 sân chơi, bãi tập, khu vui chơi, giải trí và hoạt động thể dục, thể thao cho thanh, thiếu niên.
Tiêu biểu như xã Hoằng Thành 6/6 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn được đồng tư khang trang đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Lường Khắc Tâm, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 2, xã Hoằng Thành cho biết: "Cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, thôn đã huy động sức dân để hoàn thiện nhà văn hóa, khu thể thao thôn. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao đời sống văn hóa, sức khỏe, tinh thần của người dân”.
Đến nay, toàn huyện Hoàng Hoá có 89% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93% thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Đồng thời, các thiết chế VHTT đã trở thành nơi triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để có được kết quả đó, huyện Hoằng Hóa đã bám sát nội dung các thông tư, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tiêu chí xây dựng thiết chế VHTT; gắn việc xây dựng thiết chế VHTT với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VHTT.
Đặc biệt, huyện Hoàng Hoá đã chú trọng huy động mọi nguồn vốn và sử dụng linh hoạt các nguồn vốn trong triển khai xây dựng hệ thống thiết chế VHTT. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của thiết chế VHTT và các hoạt động VHTT; tích cực huy động sức dân và mọi nguồn lực trong dân để xây dựng, hoàn thiện và khai thác hiệu quả các thiết chế VHTT.
Huyện cũng tích cực tổ chức các hoạt động VHTT; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường triển khai các hoạt động VHTT ở cơ sở; chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội, câu lạc bộ VHTT.
Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã tạo tiền đề cho các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và xây dựng NTM trên địa bàn huyện ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân.
Tại huyện Vĩnh Lộc có 118 thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó có 105 thiết chế văn hóa thôn, khu phố; 13 thiết chế văn hóa cấp xã. Đối với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện hiện đã được quy hoạch và xây dựng với diện tích 63.000m2.
Một trong những điểm nhấn đó là, về cơ bản hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện tới xã, thôn đều có bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì hoạt động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Riêng nhà văn hóa thôn, khu phố được xây dựng với diện tích trên 500m2 và từ 120 - 150 chỗ ngồi, sân khấu trên 30m2, với đầy đủ các thiết chế, trang thiết bị theo yêu cầu. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí của Nhân dân. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Lộc Cao Văn Bình cho biết: “Trong thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của huyện luôn đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Số lượng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng tăng, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ra đời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo sân chơi cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, các giải đấu phong trào thu hút đông đảo Nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu. Do đó, chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện đã được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn huyện.
Có thể nói, thiết chế văn hóa cơ sở các cấp trong toàn tỉnh Thanh Hoá đã đáp ứng nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân; giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị; góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết pháp luật của nhân dân; phát triển xã hội một cách bền vững.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 20/27 huyện, thị xã, thành phố đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; trong đó có 14 thiết chế đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Đã có 02/27 đơn vị hành chính cấp huyện xây dựng thiết chế Nhà Văn hóa Thiếu nhi cấp huyện (thành phố Thanh Hóa, huyện Nga Sơn).
Trong năm 2023, đã xây mới 10 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nâng tổng số toàn tỉnh Thanh Hoá có 532/559 xã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa (Hội trường đa năng và Trung tâm văn hóa-thể thao xã) phục vụ cộng đồng; trong đó, có 287/559 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao. Đã có 204/287 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL.
Cũng trong năm 2023, đã xây mới trên 100 Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, khu phố, nâng tổng số lên 4.287/4.357 thôn, bản, khu phố có Nhà văn hóa - khu thể thao; trong đó, có 2.958 Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL.