Thanh Hóa: Đảm bảo cảnh quan môi trường tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh
21/04/2022 | 15:56Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh (gọi tắt là di tích, danh thắng) (DTDT) trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tạo không gian cảnh quan luôn xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 1.500 DTDT. Các DTDT đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn quý giá của địa phương, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch những năm gần đây cũng tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường tại các khu DTDT nói riêng. Xuất phát từ thực tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh nhất là các địa phương có điểm DTDT có giá trị lớn trong phát triển du lịch đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, bố trí nguồn lực cho công tác BVMT. Các khu DTDT đều trang bị thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bố trí hệ thống thùng rác hợp lý, đảm bảo mỹ quan trong khu di tích, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, hệ thống bảng biểu tuyên truyền về các quy định thực hiện BVMT đều được các đơn vị quản lý khu DTDT bố trí tại các không gian thoáng, rộng, dễ nhìn để du khách đến tham quan dễ đọc và chấp hành đầy đủ. Không chỉ chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, các đơn vị quản lý còn tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đầu tư làm đẹp cảnh quan khu DTDT, nhằm tạo không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên, góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi đến chiêm bái, tham quan và vui chơi.
Điều này được minh chứng khi những ngày đầu xuân năm 2022, du khách thập phương đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Nưa - Am Tiên rất thích thú và ấn tượng với mô hình “Biến rác thải thành tiền” do Hội LHPN thị trấn Nưa thực hiện. Khác với nhiều năm trước khi vẫn còn tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi tại các gốc cây, bãi đất trống, năm nay, khu vực đền Nưa – Am Tiên được đặt nhiều thùng rác, cao khoảng 1,3m với các khẩu hiệu: “Hãy cho tôi rác thay vì bỏ ra môi trường”, “Biến rác thải thành tiền”... nhằm kêu gọi mọi người bỏ rác đúng nơi quy định. Những vỏ chai nhựa, lon bia, nước ngọt sẽ được chị em phụ nữ thu gom, phân loại và bán gây quỹ để ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh là một trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - sinh thái của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, công tác xây dựng hình ảnh điểm đến “Sạch sẽ - hấp dẫn - bản sắc - thân thiện” theo đúng tinh thần của Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ban Quản lý (BQL) Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Để làm tốt được điều đó, cán bộ, viên chức BQL di tích luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác BVMT; bố trí hợp lý các thùng đựng rác, cắm biển khuyến cáo để Nhân dân có ý thức hơn trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Với các khẩu hiệu thân thiện như “Bạn hãy cùng tôi chăm sóc, giữ gìn di tích sạch đẹp”, “Nếu bạn vô tình xả rác chúng tôi sẽ là người thu gom” và việc nhắc nhở ân cần, hướng dẫn chu đáo của cán bộ, công nhân viên nơi đây khi phát hiện hành vi xả rác không đúng nơi quy định đã tạo hiệu ứng tốt với người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong công tác BVMT.
Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các khu DTDT, căn cứ Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31-12-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) “Về việc ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn BVMT tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia”, Sở VHTT&DL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu DTDT trên địa bàn tỉnh. Sở đã ban hành hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao phải có các biện pháp, phương án BVMT khu DTDT và khoanh vùng để hạn chế khách du lịch vào tham quan tại khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm; làm tốt việc kiểm soát, giảm thiểu tiếng ồn để không ảnh hưởng đến môi trường di tích và không gian tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao. Đặc biệt, tăng cường các phương án giảm thiểu rác thải nhựa, không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, Sở VHTT&DL cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan định kỳ tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về DTDT đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khi triển khai các hoạt động bảo tồn di tích và tổ chức sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, tích cực phối hợp phát động và duy trì các phong trào BVMT khu DTDT tại cơ sở như tổ chức các ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày hội tái chế... để truyền thông rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, hành động trong bảo vệ DTDT.
Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác BVMT tại các khu DTDT, thời gian tới, cùng với các biện pháp đã triển khai hiệu quả, Sở VHTT&DL tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất với tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng từ ngân sách, cũng như đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa; quan tâm, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức chuyên môn phụ trách trực tiếp công tác BVMT tại các khu DTDT. Sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng trong việc tham gia và thực hiện giám sát các hoạt động BVMT sẽ tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ môi trường cảnh quan tại các khu DTDT, trở thành nền tảng quan trọng để du lịch tỉnh phát triển bền vững.