Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt nhiều kết quả quan trọng

05/04/2019 | 12:29

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức kiểm kê 1.535 di tích lịch sử danh thắng, xây dựng hồ sơ xếp loại 842 di tích (bao gồm 141 di tích cấp quốc gia, 696 di tích cấp tỉnh); lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận 01 di sản văn hóa thế giới; đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 04 di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và chống xuống cấp di tích ngày càng được đẩy mạnh. Phần lớn các di tích được trùng tu, tôn tạo theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trung bình mỗi năm có 30 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp).

Thanh Hóa: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt nhiều kết quả quan trọng - Ảnh 1.

Thành Nhà Hồ. Nguồn: Zing.vn

Việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của tỉnh về bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp các di tích đã được thực thi có hiệu quả, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu, Đình Phú Điền, đền Đồng Cổ, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, Đình Chung, Nghè Vẹt, đền thờ Trần Khát Chân và chùa Hoa Long.

Những di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo ở tỉnh Thanh Hóa đang dần trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan, du lịch.

Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Thanh Hóa cũng dành một phần nguồn ngân sách đầu tư cho công tác chống xuống cấp di tích đồng thời huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khai quật khảo cổ các di tích: Hang Con Moong, Thành Nhà Hồ, Đàn Nam Giao, Di chỉ văn hóa Đông Sơn thuộc Khu di tích LSVH Hàm Rồng, Cồn Cổ Ngựa, di tích khảo cổ Núi Xuân Đài… Đối với các di tích đã xếp hạng và các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh - nơi gần với các di tích khảo cổ hoặc những di tích hiện chỉ còn là phế tích, trước khi đầu từ phục hồi, xây dựng đều được thực hiện công tác khảo cổ như: Khu lăng miếu Triệu Tường chùa Linh Xứng (Hà Trung)…; quy trình thực hiện công tác khảo cổ tuân thủ theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ.

Cùng với nhiệm vụ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, điền dã tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể cũng được tập trung triển khai. Các lễ hội dân gian, trò chơi, trò diễn được khôi phục; các làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển. Việc nghiên cứu sưu tầm, khai thác, biên soạn vốn văn hóa truyền thống được chú trọng, đã giới thiệu được các ấn phẩm, công trình nghiên cứu về các loại hình văn hóa như: Làng nghề truyền thống; Di sản văn hóa; Di tích và danh thắng Thanh Hóa; lễ hội truyền thống xứ Thanh…

Thanh Thủy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×