Thanh Hóa: Chủ động đón làn sóng du lịch trở lại
25/03/2021 | 11:05Hơn bất cứ ngành nghề nào, du lịch là hoạt động mẫn cảm nhất với “sức khỏe” của nền kinh tế. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ đón được 7.341.000 lượt khách, giảm 24%, đạt 65,5% kế hoạch; tổng thu từ du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch. Đây là mức sụt giảm dễ hiểu, bởi du lịch là ngành kinh tế đòi hỏi tính liên vùng, liên ngành rất cao, trong khi năm 2020 gần như tất cả các địa phương, ngành nghề đều phải căng mình chống dịch COVID-19, người dân có tâm lý không muốn đi xa, không muốn tham gia các hoạt động đông người nên nhiều hoạt động du lịch đã bị hoãn, hủy.
Năm 2021 ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón tới 11,9 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 22.858 tỷ đồng. Đây là con số khá cao, để hiện thực, cần phải chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ, có những biện pháp kích cầu phát triển du lịch trở lại một cách phù hợp trong tình hình mới, nhất là du lịch nội địa khi mà dịch bệnh đang có dấu hiệu lắng dịu, hoạt động sản xuất và đời sống trên toàn quốc dần trở lại bình thường.
Cùng với đó, nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nối lại hoạt động giao thương quốc tế, nhất là vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đã được sản xuất và cung ứng ra thị trường, là điều kiện để chúng ta sớm đưa cuộc sống bình thường trở lại, đặc biệt là với các hoạt động du lịch.
Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước. Theo đó, toàn tỉnh có 1.050 cơ sở lưu trú/50.000 phòng; có 62.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 83,6%; tổng thu từ du lịch ước đạt 45.000 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 380 triệu USD...
Để đạt mục tiêu trên, chương trình đưa ra 9 nhóm nội dung triển khai thực hiện như quy hoạch phát triển du lịch; tu bổ, tôn tạo di tích; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Trong đó, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển, thúc đẩy hình thành các dòng sản phẩm cao cấp, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng, các sản phẩm du lịch mới, du lịch sáng tạo. Củng cố thị trường khách du lịch nội địa khu vực gần, phát triển thị trường khách du lịch nội địa khu vực xa và các thị trường khách quốc tế.
Có thể nói, dòng chảy du lịch thời gian qua dù đang chậm lại nhưng chắc chắn sẽ không dừng lại. Một số hoạt động du lịch tạm dừng trong thời gian qua chỉ là tạm thời, hoạt động thông thương để thúc đẩy nền kinh tế trong đó có du lịch nhiều khả năng sẽ sôi động trở lại vào mùa hè này.
Mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 740/SVHTTDL-QLDL gửi các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đưa các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Trong chuyển thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa có các biện pháp phù hợp để đưa du lịch phát triển bình thường trở lại nhằm phát huy hết khả năng, lợi thế của tỉnh.
Hiện nay chúng ta đang có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để kiểm soát bệnh dịch, vì thế ngành du lịch cùng các cơ quan hữu quan cần phải chủ động các điều kiện để đón làn sóng du lịch trở lại trong hoàn cảnh bình thường mới, nhất là du lịch nội địa, vừa đảm bảo sự an toàn vừa khơi thông được dòng chảy vốn có của ngành “công nghiệp không khói” góp phần sớm hiện thực các mục tiêu về phát triển kinh tế du lịch mà chúng ta đã đề ra.