Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Cần chiến lược kích cầu du lịch thực sự hiệu quả trong năm 2022

11/01/2022 | 10:17

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2021 toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gần như ngưng trệ, các chỉ tiêu du lịch trong năm đều giảm sâu và không đạt. Theo đó, các phương án, kịch bản kích cầu du lịch trong năm gần như bị “vô hiệu hóa”. Đứng trước cơ hội phục hồi du lịch trong tình hình mới, năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa cần đưa ra chiến lược kích cầu phù hợp để đạt được các mục tiêu đề ra.

Thanh Hóa: Cần chiến lược kích cầu du lịch thực sự hiệu quả trong năm 2022 - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) là một trong những điểm đến trong hành trình liên kết “vùng xanh” của du lịch Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2021, Thanh Hóa chỉ đón được 3,4 triệu lượt khách, giảm 53,7% so với năm 2020; tổng thu du lịch ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, giảm 53,4% so với năm 2020. Trong năm, có 23 nghìn lao động mất việc làm, hơn 600 cơ sở lưu trú phải đóng cửa; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải bồi hoàn cọc cho 15 nghìn khách hủy tour, ước tính thiệt hại hơn 52 tỷ đồng.

Không có khách du lịch đồng nghĩa với không có doanh thu, các khoản trả lãi ngân hàng, lương nhân viên, nộp thuế... là những gánh nặng mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng.

Trong cơn “bão dịch” COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh cũng đã có những nỗ lực để khắc phục phần nào khó khăn, vừa thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh, vừa tìm hướng đi thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Đặc biệt, để thu hút khách sau mỗi lần mở cửa trở lại, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch như: tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại TP Hà Nội (tháng 4-2021); phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong tình hình mới (tháng 11-2021); phối hợp với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ký kết thiết lập hành lang an toàn đón khách (tháng 12-2021). Đồng thời triển khai kế hoạch tuyên truyền du lịch Thanh Hóa trên kênh truyền hình VTV năm 2021; xây dựng và truyền thông bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu du lịch tại tỉnh Thanh Hóa và tại các tỉnh/thành phố bằng hình thức trực tuyến; chuẩn bị các bước đầu tư dự án cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa...

Có thể thấy, các chương trình đã mang lại những tín hiệu tích cực sau mỗi lần mở cửa đón khách trở lại. Thêm vào đó, các điểm đến luôn được đảm bảo an toàn là cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền mạnh mẽ, với thông điệp “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”. Sau 4 lần “đóng - mở” trong năm 2021, đến nay các hoạt động du lịch đã trở lại trong trạng thái bình thường mới, vấn đề đặt ra trong năm 2022 đó là Thanh Hóa cần đưa ra chiến lược kích cầu du lịch thực sự hiệu quả, có tính liên kết để phục hồi tốt các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vương Thị Hải Yến cho biết, Bước sang năm 2022, dự báo dịch bệnh vẫn còn có những diễn biến phức tạp, do đó hoạt động dịch vụ du lịch sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, mọi hoạt động sẽ được nới lỏng trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón khách trong năm 2022 với những điểm đến an toàn, dịch vụ chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước nhằm thiết lập hành lang an toàn đón khách. Trong năm 2022, các địa phương sẽ tiến hành các hoạt động famtrip, quảng bá, xúc tiến. Để sẵn sàng các điều kiện liên kết, tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành việc dán nhãn xanh cơ sở du lịch an toàn tại tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Danh sách các điểm đến, cơ sở du lịch an toàn sẽ được cập nhật và công khai rộng rãi để người dân, du khách và các đơn vị lữ hành trong cả nước nắm bắt.

Cũng theo bà Vương Thị Hải Yến, trong bối cảnh hiện nay, chương trình kích cầu du lịch của các điểm đến, doanh nghiệp dịch vụ vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng khái niệm kích cầu đã thay đổi. Nhu cầu đi du lịch hiện tại vẫn còn khá hạn chế. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của du lịch Thanh Hóa không phải là nóng vội kích thích để khách đi du lịch mà là thực hiện đồng bộ các giải pháp để cả du khách và các đơn vị lữ hành đưa khách đến thấy được sự an toàn, thuận lợi tại các điểm đến.

Xác định an toàn là yếu tố để kích cầu du lịch hiệu quả nhất, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách tại mỗi điểm đến. Trước tiên, cần làm tốt việc đón khách nội tỉnh, khách nội địa đến từ vùng xanh. Quan trọng là các điểm đến khi đã mở cửa đón khách, chính quyền các cấp, ban quản lý điểm đến phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và khách du lịch. Tạo thuận lợi ở đây là đảm bảo an toàn điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ để doanh nghiệp không gặp khó khi tổ chức hoạt động du lịch. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, tạo hành lang an toàn nhằm thu hút khách nội địa từ các “vùng xanh” trong năm 2022.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×