Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với xây dựng nông thôn mới

28/10/2021 | 08:55

Xuyên suốt hành trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo..., nhiều địa phương trong tỉnh xác định phải thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa; trong đó cần đặc biệt chú trọng đến trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử. Có như vậy, mới nâng cao được ý thức trách nhiệm, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân và đẩy nhanh quá trình XDNTM.

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Khu Di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ (Yên Định).

Tại huyện Yên Định, theo chia sẻ của ông Trịnh Trọng Định, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thì: Trong quá trình XDNTM, địa phương luôn nhận thức đúng, sâu sắc rằng, di sản văn hóa, di tích lịch sử do ông cha ta để lại là tài sản vô cùng quý giá. Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi thôn, làng có thể tập hợp được sự đoàn kết của cộng đồng để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống, quảng bá các hình ảnh của làng quê để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 49 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh (bao gồm cả di tích lịch sử, văn hóa và di tích cách mạng). Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có 5 di tích được phục dựng trùng tu, tôn tạo hoàn thành, gồm: đình Trịnh Xá (xã Yên Ninh); kiến trúc đá Bái Lăng, (xã Yên Phú); điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa); nghè Trúc (xã Định Tiến); phủ Cẩm (xã Định Công); một số di tích đang thi công cơ bản hoàn thành và hoàn thành một số hạng mục, gồm: chùa Thanh Nguyên (thuộc Di tích núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ); đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc (xã Yên Trung); chùa Hưng Phúc - nơi thờ Thái sư Đào Cam Mộc (xã Định Tiến)...

Phải khẳng định rằng sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Trong đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích gắn với XDNTM đã góp phần làm “sống dậy” nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tưởng chừng như đã bị mai một, thất truyền; trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhiều di tích, công trình văn hóa... Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.535 di tích được kiểm kê, bảo vệ. Trong đó có 854 di tích đã được xếp hạng, gồm 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 709 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý về di tích luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tính từ năm 2017 đến nay, nguồn kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách do Trung ương hỗ trợ là 59,5 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ là 168,74 tỷ đồng, từ các huyện, xã hơn 164,51 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa trên 781,46 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều địa phương đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa lớn, như huyện Yên Định huy động được 205,34 tỷ đồng phục vụ đầu tư trùng tu, tôn tạo cho 9 lượt di tích; TP Thanh Hóa 137,57 tỷ đồng cho 15 lượt di tích; huyện Cẩm Thủy 60 tỷ đồng cho 1 di tích; huyện Hoằng Hóa 57 tỷ đồng cho 11 di tích...

Với một tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh dày đặc thì việc quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực để đẩy mạnh công tác phục dựng, tôn tạo, trùng tu, tu bổ các di tích sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân; đồng thời cũng là đóng góp tích cực vào quá trình XDNTM ở các địa phương.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×