Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hoá: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa hát nhà trò Văn Trinh

17/05/2024 | 09:45

Hát nhà trò Văn Trinh được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL ngày 26.4.2024. Theo các nhà nghiên cứu thì hát nhà trò, tức là vừa hát vừa làm trò - một trong những gốc tổ của nghệ thuật Ca Trù. Ở Văn Trinh xưa nay là xã Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hóa, hát nhà trò mang bản sắc riêng.

Hát nhà trò Văn Trinh ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành nét văn hoá truyền thống đặc sắc của xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) - vốn là vùng đất Văn Trinh xưa, nơi mà vị tướng tài ba Trần Nhật Duật đã chọn làm điểm lập ấp đóng quân.

Ông từng được xem là tổ sư âm nhạc đời Trần, một người sành âm luật, giỏi đặt bài ca, điệu múa để các phường hát chầu phục vụ triều đình. Chính ông là người đã khai sinh ra điệu hát nhà trò Văn Trinh - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù Việt Nam.

Thanh Hoá: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa hát nhà trò Văn Trinh - Ảnh 1.

Biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh (ngâm câu đối) tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hoá).

Hát nhà trò Văn Trinh mang đậm sắc thái Văn Trinh và gắn liền với các lễ hội truyền thống của vùng. Trong đó, những lời ca được xướng lên đặc biệt tự hào, ca ngợi những anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp của sông nước, núi non hữu tình.

Dường như khi câu hát xướng lên, người nghe như cảm nhận được từng dòng chảy của thăng trầm lịch sử và từng hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống vẫn đang âm thầm chảy theo thời gian, trong lòng mỗi thế hệ đã đi qua của vùng đất “tàng phong tích thủy” này.

Hát nhà trò Văn Trinh không phải là lễ tục, lễ nhạc dân gian mà là điển lễ được dân gian hóa. Bởi vậy, ngoài có những khuôn mẫu riêng, những bài hát trong quá trình lưu truyền đã được nhân dân sáng tạo và bồi đắp nên càng trở nên phong phú.

Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, hát nhà trò Văn Trinh đã có giai đoạn bị mai một.

Nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy nét đẹp của di sản văn hóa hát nhà trò Văn Trinh, năm 2006, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn mời nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân về truyền dạy hát ca trù cho người dân Quảng Hợp.

Đến nay, câu lạc bộ hát nhà trò Văn Trinh duy trì từ 10 đến 20 hội viên hoạt động phục vụ các sự kiện văn hóa - lễ hội của địa phương, đồng thời tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, vào dịp lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hàng năm), bên cạnh các nghi lễ truyền thống thì không thể thiếu hát nhà trò Văn Trinh.

Trải qua thời gian hơn 700 năm ra đời, tồn tại lối hát truyền thống Văn Trinh (Hát nhà trò Văn Trinh) vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Hình thức sinh hoạt văn hóa này trong lễ hội đền Văn Trinh đã trở thành di sản văn hóa tinh thần của dân tộc cần được bảo vệ và phát huy, góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đối với các thế hệ.

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát nhà trò Văn Trinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa; quảng bá và phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch địa phương gắn với công tác giá dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×