Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Lam Kinh cho muôn đời
28/09/2021 | 13:10Quần thể Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Di sản này đã trải qua nhiều lần hưng vong cùng vận nước và do đó, bảo vệ, tôn vinh các giá trị vô giá và không thể thay thế của Lam Kinh là yêu cầu đặt ra cho hậu thế.
Lam Sơn dựng điện
Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi và bắt tay xây dựng triều đại Lê Sơ với bộn bề công việc buổi đầu, song vua Lê Thái tổ đã tôn vinh vùng đất Lam Sơn – “đất căn bản làng vua”. Vua cho đổi tên Lam Sơn thành Lam Kinh (hay Tây Kinh) để phân biệt với Đông Kinh (kinh đô Thăng Long). Đây cũng là cơ sở đặt nền móng cho sự phát triển của trung tâm Lam Kinh, với vai trò là “kinh đô tưởng niệm” - nơi an táng, thờ phụng tổ tiên, các vị vua và hoàng hậu triều Lê Sơ; cũng là nơi vua và triều thần thời Lê Sơ tổ chức bái yết sơn lăng, xử lý quốc sự và nghỉ ngơi. Theo đó, năm 1433 vua Lê Thái tổ mất được đưa về an táng ở Lam Kinh. Đây cũng là năm điện chính Lam Kinh (hình chữ I) bắt đầu được xây dựng. Năm 1434, sau khi vua Lê Thái tông lên ngôi đã sai Hữu bộc xạ Nguyễn Nhữ Lãm về Lam Kinh dựng miếu Cung Từ Thái Mẫu. Cùng năm ấy, điện Lam Kinh bị cháy (nguyên nhân được cho là bị sét đánh). 14 năm sau (tức là năm 1448), vua Lê Nhân tông xuống chiếu cho Thái úy Lê Khả cùng với Cục Bách tác làm lại miếu điện Lam Kinh, đến tháng 2 năm 1449 thì hoàn thành. Năm 1456, trong dịp bái yết sơn lăng, vua Lê Nhân tông đặt tên cho tòa chính điện (hình chữ I), gồm tiền điện là Quang Đức, trung điện là Sùng Hiếu và hậu điện là Diên Khánh. Cuối năm 1456 đến 1457, sau khi xây dựng thêm một số công trình thờ tự, thì toàn bộ các công trình kiến trúc nghệ thuật làm nên diện mạo Lam Kinh mới cơ bản hoàn thành.
Trải qua ngót 6 thế kỷ tồn tại với rất nhiều biến cố lịch sử, sự bề thế, trang nghiêm và linh thiêng của khu miếu điện Lam Kinh đã gần như biến mất. Song, căn cứ vào những ghi chép lịch sử, nghiên cứu của một số học giả người Pháp và nhất là kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã thống nhất cho rằng, diện mạo Lam Kinh là một quần thể các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng bao gồm Chính điện, Thái miếu, Tả vu, Hữu vu, Tây thất, Đông trù, Nghi môn và hệ thống tường thành; hệ thống lăng mộ và bia ký như lăng mộ vua Lê Thái tổ (Vĩnh Lăng), Lê Thái tông (Hựu Lăng), Lê Thánh tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến tông (Dụ Lăng), Lê Túc tông (Kinh lăng)...; các di tích khác như Sân rồng, hồ Bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng, kênh dẫn nước... Tất cả được xây dựng, bố trí hài hòa theo những nguyên tắc địa lý – phong thủy phương Đông.
Khu miếu điện Lam Kinh tuân thủ theo đồ án không gian mở, các công trình xây dựng hòa vào cảnh thiên nhiên sông núi, rừng cây, nguồn nước, không có thành cao, hào sâu ngăn cách với thế giới bên ngoài. Nói về vị trí của Lam Kinh, ghi chép của nhà sử học Phan Huy Chú đến nay vẫn được đánh giá cao: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm... Sau được lấy hồ Tây làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó... Lại có lạch nước nhỏ chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.
Trân trọng di sản tiền nhân
Trong nhiều ý nghĩa tồn tại của Lam Kinh đã được chỉ ra, có nghiên cứu cho rằng, sự ra đời của “kinh đô tưởng niệm” này là nhằm tạo uy thế cho triều đình Nhà Lê cả đối nội lẫn đối ngoại. Nhà Lê đã khôn khéo vận dụng học thuyết Nho giáo để củng cố và đưa Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền lên đỉnh cao, mà vẫn bảo tồn được các tinh hoa văn hóa dân tộc. Khu điện miếu Lam Kinh là một biểu tượng cho tinh thần ấy. Đặc biệt, sự hiện hữu của Lam Kinh cũng chính là sự hiện hữu của lòng tôn kính tổ tiên, gắn với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ngoài ra, các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn cung đình ở Lam Kinh đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của nền kiến trúc dân tộc; đồng thời, nhiều giá trị nhân văn và sinh thái của tư duy kiến trúc độc đáo ấy, vẫn còn lan tỏa cho tới hôm nay.
Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử dân tộc. Di sản này đã trải qua nhiều lần hưng vong cùng vận nước và thậm chí đã trở thành phế tích suốt một thời gian dài. Chính vì lẽ đó, tôn vinh và bảo vệ các giá trị vô giá và không thể thay thế của Lam Kinh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho hậu thế. Năm 1962, Lam Kinh đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đến ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Lam Kinh là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đồng thời, việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di sản này đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa và của giới khoa học.
Cụ thể, từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và sự hợp tác tích cực của các nhà khoa học, công cuộc nghiên cứu, tôn tạo và phục hồi diện mạo di tích này được tiến hành liên tục. Cho đến nay, đã có khoảng 20 hạng mục công trình (gồm các lăng mộ, nhà bia, Chính điện và các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên...) đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội.
Điển hình phải kể đến công trình Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo năm 2010. Chính điện có tổng diện tích 1.662m2, là một trong những công trình quan trọng, bề thế nằm ở khu trung tâm di tích Lam Kinh và là nơi để vua nghỉ ngơi, thiết triều nghị bàn việc nước. Công trình có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm nổi, chạm bong một và một số lớp (tùy theo chủ đề và vị trí chạm) độ sâu dao động từ 10cm – 120cm. Mái lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung; trang trí mặt ngói hình hoa sen, trang trí diềm mái hoa văn lá đề bằng đất nung; ngói lót trang trí mặt trong (giữa hai dui) hình chữ Thọ... Chính điện hình chữ I gồm tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).
Di tích Lam Kinh hiện nay đã hồi sinh cả về diện mạo bề thế và sự trang nghiêm, linh thiêng của nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Lam Kinh được đề cao cũng chính là sự khẳng định cho vị thế của Lam Kinh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa dân tộc. Đồng thời, là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước ta đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân nhà Lê; vai trò và những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cha ông ta cho muôn đời con cháu.