Thanh Hóa: Bảo quản, phục chế tài liệu cổ, quý hiếm tại Thư viện tỉnh
07/10/2022 | 17:14Khoảng gần 100 đạo sắc phong và 1000 tài liệu Hán Nôm có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thuộc loại tài liệu cổ, quý hiếm mang bản sắc của địa phương sẽ được bảo quản để phát huy giá trị.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 03/10/2022 về bảo quản, phục chế tài liệu cổ, quý hiếm tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 – 2025. Việc bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính được triển khai với 106 đạo sắc phong và hơn 1.000 tài liệu Hán Nôm có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thuộc loại tài liệu cổ, quý hiếm mang bản sắc của địa phương nhằm kéo dài tuổi thọ, lưu giữ lâu dài, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về loại hình di sản văn hóa của dân tộc; phục vụ công tác số hoá, tư liệu hóa để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác tài liệu; giúp cho độc giả có thể nghiên cứu mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với tài liệu gốc, giảm nguy cơ mất mát, hư hỏng tài liệu; tăng số lượng độc giả có cơ hội tiếp cận với nội dung tài liệu, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả.
Theo kế hoạch, việc bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính tài liệu các sắc phong và tài liệu Hán Nôm được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025; thực hiện theo lộ trình sau:
- Năm 2023: 30 sắc phong và 300 tài liệu Hán Nôm;
- Năm 2024: 30 sắc phong và 300 tài liệu Hán Nôm;
- Năm 2025: 30 sắc phong và 300 tài liệu Hán Nôm.
Sau khi hoàn thành bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính tài liệu, xây dựng kế hoạch quản lý và phát huy giá trị nguồn tài nguyên thông tin; triển khai kiểm kê, nghiên cứu, đánh giá và lập hồ sơ khoa học đối với các tài liệu đủ điều kiện, tiêu chí đề nghị công nhận, ghi danh là Di sản tư liệu.
Thư viện tỉnh Thanh Hóa được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học để triển khai nhiệm vụ theo đúng Kế hoạch được phê duyệt. Việc bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính tài liệu phải tuân thủ, thực hiện đúng quy tắc, quy trình quy định của Luật Thư viện, nghị định, thông tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan; đảm bảo tài liệu sau khi được bảo quản, phục chế phải kéo dài được tuổi thọ, gìn giữ tối đa tính nguyên gốc. Tài liệu sau bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính phải được sử dụng để phát huy giá trị, phục vụ việc tra cứu, nghiên cứu của độc giả và cho công tác số hóa theo quy định. Các trang thiết bị, dụng cụ mua sắm để bảo quản tài liệu phải thiết thực, đúng chủng loại và yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, phục vụ hiệu quả cho việc bảo quản, khai thác và phát huy giá trị tài liệu.
Thư viện tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ 489.700 bản sách, báo, tài liệu các loại có giá trị, trong đó: 460.000 bản sách, báo; 25.000 tài liệu địa phương; 3.500 tài liệu là sách tiếng Pháp, Hán Nôm, văn bia, gia phả, thần tích, thần sắc, sắc phong; hơn 1.000 tài liệu Hán Nôm (bao gồm: Y học, kinh phật, câu đối, thơ, chuyện, các sắc phong, văn bia, gia phả); hơn 200 bản sắc phong cổ ở các thể loại và niên đại khác nhau. Đặc biệt, trong đó có 106 đạo sắc phong và hơn 1.000 tài liệu Hán Nôm có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thuộc loại tài liệu cổ, quý hiếm.