Thanh Hóa: Ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
07/09/2021 | 09:45UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Căn cứ tình hình thực tế, những năm qua, không ít địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thủ tục nặng nề, khi gia đình có việc cưới, việc tang đều tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày, kèm theo nhiều hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Những tác động tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa, nếp sống văn minh của cộng đồng xã hội.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và các văn bản quy định của Trung ương và địa phương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Theo đó, Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá gồm 3 chương và 7 điều được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài tham gia vào việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Quy định nêu rõ yêu cầu chung đối với việc cưới, việc tang bao gồm: Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc cưới, việc tang tổ chức không trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan như: Xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và các hình thức mê tín dị đoan khác. Không lợi dụng việc cưới, việc tang để hoạt động, tuyên truyền trái pháp luật nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; người tham dự không sử dụng rượu, bia, chất có cồn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức, tham gia việc cưới, việc tang không gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động công cộng; giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không sử dụng phương tiện công và thời gian làm việc của cơ quan, tổ chức để thực hiện, tổ chức và tham dự việc cưới, việc tang (trừ trường hợp thực hiện công vụ); không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; không sử dụng công quỹ, tài sản công để làm quà mừng cưới, viếng đám tang, phục vụ cho mục đích cá nhân. Không sử dụng lòng đường phục vụ cho việc cưới, việc tang. Tôn trọng sự yên tĩnh của cộng đồng; sử dụng âm thanh trong việc cưới, việc tang phải đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo các văn bản quy định của Nhà nước. Trong cùng một thời điểm, tại cùng một địa bàn khu dân cư có cả việc cưới và việc tang, Ban công tác mặt trận thôn, khu phố cần phối hợp với các gia đình để thống nhất việc tổ chức việc cưới và việc tang đảm bảo đoàn kết tình làng, nghĩa xóm. Tuân thủ những quy định trong hương ước, quy ước của địa phương về việc cưới, việc tang.
Cũng tại Quy định, việc sử dụng vòng hoa trong các lễ tang được quy định trên tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
a) Đối với lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu: Ban Tổ chức lễ tang và gia đình chuẩn bị 02 vòng hoa của cơ quan chủ quản và gia đình đặt cố định 02 bên bàn thờ; chuẩn bị 05 vòng hoa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến luân phiên viếng. Trong thông báo tin buồn ghi: “Các tổ chức, cá nhân đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen (kích thước 1,2m x 0,2m) ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân kính viếng”.
b) Đối với với lễ tang thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức (bố mẹ đẻ; bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng; vợ hoặc chồng; con): Khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vận động gia đình chuẩn bị vòng hoa luân chuyển; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến viếng không sử dụng vòng hoa riêng.
c) Đối với lễ tang khác: Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, gia đình của người đã mất sử dụng vòng hoa luân chuyển, hạn chế tối đa số lượng vòng hoa trong lễ tang. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng vòng hoa tại lễ tang vào hương ước, quy ước của thôn, bản, khu phố, để thống nhất tổ chức thực hiện trong toàn dân.
d) Đối với cán bộ, công chức, viên chức; thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức và cá đối tượng khác được Đảng, Nhà nước quy định chế độ, chính sách phúng viếng khi qua đời: Khi các đối tượng này qua đời, ngoài việc thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b nêu trên, thì cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chế độ, chính sách cán bộ chuẩn bị 01 vòng hoa và tổ chức phúng viếng tại đám tang theo quy định.
e) Các cơ quan, đơn vị được giao tổ chức lễ tang mua đúng số lượng vòng hoa theo quy định. Kinh phí mua vòng hoa đối với các lễ tang quy định tại điểm a và điểm d khoản 7 điều này được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức tang lễ và cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chế độ chính sách cán bộ theo theo quy định của Đảng và Nhà nước.
UBND tỉnh cũng quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các tổ chức, gia đình, cá nhân đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2021, thay thế Quyết định số 1323/1998/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.