Thanh Hóa: 10 năm thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”
03/08/2021 | 10:20Được chọn là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước, trong 10 năm qua (2011-2020), tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” giai đoạn 2011-2030 (sau đây gọi là Đề án) với những kết quả nổi bật, góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao (TDTT); nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao, góp phần phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án được lồng ghép với các chương trình, đề án lớn của tỉnh như: đề án phát triển TDTT xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010-2015; chương trình phát triển TDTT vùng dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020; đề án phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm mạnh hàng đầu của cả nước và đề án phát triển lực lượng VĐV tuyến 3. Đây là cơ sở quan trọng để ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai rộng rãi, tạo sức lan tỏa lớn với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất.
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là công tác phát triển thể lực, tầm vóc, tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, nâng cao chất lượng giờ học thể dục cho 100% các nhà trường. Nội dung chương trình thể dục được thực hiện theo hướng trang bị kiến thức, kỹ năng vận động, giáo dục các tố chất thể lực, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh. Nhiều nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đem lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, nhiều mô hình câu lạc bộ thể thao trong nhà trường, cơ sở giáo dục đã được thành lập, tạo điều kiện cho học sinh, cán bộ, giáo viên được thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe, thể lực phục vụ tốt cho lao động, học tập. Các nhà trường thường xuyên duy trì và triển khai tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ. Các môn bơi, vovinam và võ cổ truyền đã được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong năm học; đồng thời tăng cường các lớp ngoại khóa giúp các em học sinh được rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc. Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các địa phương còn duy trì thường xuyên các giải thi đấu thể thao cấp trường (1 - 2 giải/năm), cấp tỉnh (2 - 3 giải/năm), tổ chức tuyển chọn, thành lập các đội tuyển tham gia các giải thi đấu cấp quốc gia (từ 2 - 4 giải/năm). Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, học sinh, gia đình về phòng, tránh tai nạn đuối nước; thực hiện giáo dục phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh, thông qua các giờ học thể dục chính khóa và qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; khuyến khích các nhà trường triển khai tổ chức dạy và học bơi.
Để Đề án được thực hiện đạt kết quả cao, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học được quan tâm. Các đơn vị đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương dành quỹ đất xây dựng hệ thống sân tập, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và từng bước đầu tư xây dựng các phòng học giáo dục thể chất trong nhà trường. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, hỗ trợ cơ sở tập luyện, thi đấu thể thao (do ngành TDTT quản lý) phục vụ công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học tại địa phương được triển khai có hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục thể chất và thể thao trường học của cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở đào tạo thường xuyên được tăng cường. Các địa phương thực hiện tốt Đề án phải kể đến là TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Hà Trung, Nông Cống... Khu vực miền núi cũng có nhiều cố gắng trong thực hiện Đề án như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Như Thanh, Như Xuân... Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Phạm Thị Việt Nga khẳng định: “Việc thực hiện Đề án luôn song hành với công tác phát triển thể thao học đường, phong trào TDTT của TP Thanh Hóa. Bằng nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú, Đề án đã góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ. Qua đó, TP Thanh Hóa luôn có lực lượng VĐV dồi dào, góp phần giữ vị thế dẫn đầu của thể thao thành phố tại các kỳ đại hội TDTT và Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh”.
Ông Nguyễn Bá Thịnh, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Đề án, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên. Việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển TDTT có nhiều chuyển biến và thu được kết quả đáng phấn khởi, góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thường xuyên; nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn các học sinh có năng khiếu để đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cũng như góp phần phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam. Những thành tích của phong trào TDTT và thể thao thành tích cao Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2020 có sự đóng góp không nhỏ của Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” giai đoạn 2011-2030.
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả Đề án nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại Thanh Hóa, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ cho Nhân dân.