“Thăng Long tứ trấn” xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi
30/05/2022 | 08:34Sáng 29/5, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình, TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt "Thăng Long tứ trấn" gồm: Đền Voi Phục và đền Quán Thánh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và đại diện các bộ, ban, ngành trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự buổi lễ có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, nguyên lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình có 74 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, Trấn Tây (đền Voi Phục) và Trấn Bắc (đền Quán Thánh) là một trong những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội. Trấn Tây thờ Đức Thượng đẳng Phúc thần Linh Lang Đại Vương - Vị thần đã có công giúp Vua Lý Thánh Tông đánh giặc Vĩnh Trinh (giặc Tống). Đền Quán Thánh là nơi thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long xưa.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định, trải qua thăng trầm lịch sử, tứ trấn vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay được yên bình, thịnh vượng. Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, việc di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn gồm: Đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Kim Liên (quận Đống Đa) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 12 là niềm vinh dự to lớn cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô nói chung của 3 quận: Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm nói riêng.
Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Voi Phục và đền Quán Thánh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn đến năm 2045”; các nghị quyết của HĐND thành phố, kế hoạch của UBND thành phố về lĩnh vực phát triển văn hóa. Quận quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích có tính thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo bước đột phá, lưu lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân Thủ đô với du khách trong nước và quốc tế.
“Quận Ba Đình rà soát bổ sung nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công trình phục vụ nhân dân; Ban Quản lý di tích cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “Thăng Long tứ trấn”, địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị quận Ba Đình tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích, ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật.
Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hơn nữa giá trị các di tích quốc gia đặc biệt đến bạn bè, nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế. Khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích đi đôi với bảo tồn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Quận cũng hoàn thiện quy chế quản lý, cụ thể hóa kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị đền Voi Phục và đền Quán Thánh tương xứng với di tích quốc gia đặc biệt, để luôn là nơi gắn kết cộng đồng, nơi bảo tồn, giao lưu văn hóa. Bảo đảm cho khu di tích thực sự kiểu mẫu văn minh, xứng đáng là nơi lưu giữ giá trị văn hóa nghìn năm của đất kinh thành, của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là điểm đến ấn tượng của quận Ba Đình và Thủ đô.
Ngay sau buổi lễ, quận Ba Đình đã tổ chức rước Bằng xếp hạng, tuyên Chúc văn và tổ chức dâng hương tại đền Voi Phục và đền Quán Thánh.
Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút ít sang Đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương.
Đền Quán Thánh là di tích Lịch sử – Kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với sự hình thành của kinh thành Thăng Long.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Tứ trấn vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay yên bình.
Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa như vậy, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn gồm đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Kim Liên (quận Đống Đa).
Đây là niềm vinh dự to lớn cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân của 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm khi cụm di tích Thăng Long Tứ trấn với các chứng tích huyền kỳ, với giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc to lớn được Nhà nhước ghi nhận.