Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực để chuẩn hóa hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở

14/06/2023 | 21:00

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực để chuẩn hóa hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở - Ảnh 1.

Nhà văn hóa là nơi người dân thường xuyên đến sinh hoạt, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và cũng là nơi tổ chức hoạt động của các đoàn thể. (Trong ảnh: Nhà văn hóa tổ 3, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên tổ chức tổ chức tết Thiếu nhi cho trẻ em)

Nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố là thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 1.460 thiết chế văn hóa cơ sở đạt chuẩn, đạt 67,12%, còn 79 xóm, tổ dân phố chưa có thiết chế văn hóa cơ sở. Đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là diện mạo văn hóa của mỗi địa phương, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần phát triển con người một cách toàn diện; đồng thời còn là phương tiện hữu hiệu để phổ biến, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của địa phương đến với người dân, là cầu nối trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 3.036 xóm, tổ dân phố, sau khi sáp nhập toàn tỉnh còn lại 2.335 xóm, tổ dân phố. Số lượng thiết chế văn hóa thể thao dôi dư sau sáp nhập là 487/2.664 và 250/487 thiết chế văn hóa thể thao không sử dụng; hiện còn 79 xóm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa - khu thể thao. Vì lý do sáp nhập nên số thiết chế văn hóa thể thao nhiều hơn so với tổng số xóm, tổ dân phố; đặc biệt là sau sáp nhập, rất nhiều thiết chế văn hóa thể thao không đủ diện tích, chỗ ngồi cho Nhân dân hội họp và tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa.

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu chung của Đề án, đến năm 2025, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân trên địa bàn. Đến năm 2035, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu từ 80 - 90% nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, xóm đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trong đó, xây mới 600 nhà văn hóa - khu thể thao. Đến năm 3035, phấn đấu 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cải tạo và sửa chữa 1.478 nhà văn hóa - khu thể thao, xây mới 257 nhà văn hóa - khu thể thao...

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 4.675 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương gần 3.100 tỷ đồng, nguồn huy động khác và xã hội hóa hơn 658 tỷ đồng. Theo đó, đối với nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm, bản, tổ dân phố ngân sách địa phương hỗ trợ tùy theo khả năng. Với các xã đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước phấn đấu hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và một phần chi phí hoạt động.

Qua khảo sát thực tế, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập xóm, tổ dân phố. Hiện nay, nhiều nhà văn hóa xóm, tổ dân phố không đảm bảo diện tích, quy mô xây dựng không đáp ứng với số hộ dân tăng lên sau sáp nhập; nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân tăng cao; nhiều xóm, tổ dân phố còn chưa có nhà văn hóa - khu thể thao, phải sử dụng nhà văn hóa theo hình thức liên xóm, liên tổ hoặc sử dụng các công trình khác; nhiều thiết chế văn hóa thể thao có trang thiết bị hoặc có nhưng còn thiếu, hư hỏng, không sử dụng được…

Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) cho biết: Xã Văn Lăng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 1/3 dân số. Trước đây, đời sống của người dân ở Văn Lăng vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Do được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia nên diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay rõ rệt. Đến nay, 100% các xóm đã có nhà văn hóa, đây là nơi Nhân dân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và cũng là nơi tổ chức hoạt động của các đoàn thể; qua đó việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật có hiệu quả. Hiện nay, địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ tại các nhà văn hóa ở xóm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực để chuẩn hóa hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở - Ảnh 2.

Theo kế hoạch, năm 2023, xã Dương Thành (Phú Bình) sẽ có 6 xóm khởi công xây dựng nhà văn hóa theo tiêu chuẩn mới. (Trong ảnh: Nhà văn hóa xóm Phẩm 1, xã Dương Thành sẽ được xây dựng rộng khoảng 250m2)

Trong thời gian qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo bám sát mục tiêu của Đề án; đồng thời cân đối nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát huy mọi nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa thể thao; quan tâm cải tạo, sửa chữa và xây mới thiết chế văn hóa thể thao ở thôn, xóm sau khi thực hiện sáp nhập... Cùng với đó là các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý để phát huy nguồn lực, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao hiện có để nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân...

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việc xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hóa thể thao để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; thông qua chính sách hỗ trợ sẽ huy động mọi nguồn lực cùng tham gia xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa thể thao cơ sở đạt chuẩn; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao, quy định chung về mức hỗ trợ để các địa phương làm căn cứ áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh; các địa phương được sử dụng nguồn ngân sách cấp để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, từ đó phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có 2.175/2.254 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa với 2.662 nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó: 2.175/2.664 nhà văn hóa - khu thể thao đang hoạt động; có 1.460 TCVHCS đạt chuẩn (đạt gần 67,12%), 715 nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn (32,88%). Hiện còn 79 xóm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa - khu thể thao.

Theo Cổng TTĐT Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×