Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Sẵn sàng cho mùa lễ hội

05/02/2024 | 09:56

Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 đã rất gần. Các địa phương có lễ hội đang tích cực chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường; phẩm vật cung tiến, tập luyện thực hành nghi lễ… sẵn sàng cho ngày khai hội đảm bảo diễn ra an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa.

Thái Nguyên: Sẵn sàng cho mùa lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội Gầu Tào đầu năm mới của đồng bào người Mông ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương).

Tháng Giêng, mùa lễ hội - một hoạt động văn hóa tinh thần lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với riêng tỉnh Thái Nguyên, dịp đầu Xuân có 133 lễ hội truyền thống. Từ trước Tết cả tháng, nhân dân các địa phương có lễ hội đã rục rịch chuẩn bị gà, lợn, gạo, muối… và tập lại một số nghi thức hành lễ.

Để mùa lễ hội diễn ra văn minh, giàu bản sắc văn hóa, đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự và phòng tránh dịch bệnh.

Lễ hội được tổ chức khai hội sớm như: Lễ hội Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); Lễ hội Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)... Đây cũng là những lễ hội thu hút được sự quan tâm tìm về của đông đảo người dân, du khách.

Chính vì thế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức các lễ hội trang trọng, đúng quy định của pháp luật, đúng nghi thức lễ. Tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống và hiện đại, hội diễn văn nghệ quần chúng, trưng bày sinh vật cảnh, mở gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương, hàng lưu niệm, ẩm thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, du khách. Tạo không khí vui tươi, khơi dậy và phát huy được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Lễ hội được tổ chức với mục đích hướng thiện, thể hiện lòng tôn kính của cộng đồng dân cư đối với bậc tiền nhân có công lao với dân tộc, với quê hương, đất nước; đồng thời thể hiện một đức tin thánh thiện của cộng đồng dân cư đối với các “đấng anh linh”.

Phong tục, tập quán, nếp sống từng vùng sản sinh ra những nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi lễ hội. Rồi theo dòng chảy thời gian, các lễ hội được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Các lễ hội ngày càng trở nên văn minh, hiện đại, phù hợp với sự biến chuyển xã hội.

Thái Nguyên: Sẵn sàng cho mùa lễ hội - Ảnh 2.

Đồng bào các dân tộc Tày - Nùng tỉnh Thái Nguyên tham gia trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Nhưng các lễ hội có điểm chung là đều chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu gửi gắm của cộng đồng dân cư, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp như: Mưa thuận, gió hòa; không dịch bệnh, thế giới không có chiến tranh, thiên tai, nhà nhà được bình an.

Nhằm phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội truyền thống, Sở phối hợp với các cấp, ngành, địa phương có lễ hội tăng cường các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội diễn ra đúng quy định của luật pháp, đảm bảo thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Theo đó, các ban tổ chức lễ hội được thành lập, củng cố, kiện toàn và trực tiếp tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết liên quan đến hoạt động lễ hội. Sở khuyến khích các địa phương tổ chức lễ hội an toàn, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Kiên quyết ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, phát hành ấn phẩm văn hóa ngoài luồng, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc và các đồ chơi trẻ em nguy hiểm…

Vận động người dân tham gia các hoạt động dịch vụ liên quan đến lễ hội ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, chỉ bán hàng có niêm yết giá, không chèo kéo, ép giá, ép du khách mua hàng, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và địa phương có lễ hội nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động lễ hội, hướng dẫn nhân dân, du khách tham gia các hoạt động tại lễ hội. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội. Qua đó nâng cao ý thức của nhân dân, du khách khi tham gia các lễ hội. Đảm bảo mùa lễ hội Giáp Thìn 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm, văn minh và đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×