Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch

04/11/2024 | 09:59

Nhằm đẩy mạnh truyền thông quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với công tác phát triển du lịch cộng đồng, từng bước đưa di sản truyền thống tiêu biểu trở thành sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh”.

Thái Nguyên: Lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch - Ảnh 1.

Điệu múa Tắc xình và hát Sấng Cọ được người Sán Chay gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch, đại diện doanh nghiệp du lịch lữ hành. Chuyến khảo sát bắt đầu với những điểm đến nổi bật mang đậm dấu ấn văn hóa và tiềm năng du lịch đồng bào dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên.

Điểm đến đầu tiên là Hợp tác xã chè Khe Cốc, nằm trong vùng chè Tức Tranh, huyện Phú Lương. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu thuận lợi và bao bọc bởi đồi núi, những khe suối, tạo điều kiện cho cây chè phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm chè nhờ sự sáng tạo trong phương thức sản xuất và bàn tay yêu lao động. Người dân nơi đây đã biến vùng chè Tức Tranh thành vùng chè nổi tiếng tạo ra sản phẩm trà có vị đặc trưng.

Hiện hợp tác xã chè Khe Cốc là đơn vị sản xuất chè lớn của vùng chè Tức Tranh, đi đầu trong chuyển đổi mô hình trồng chè hữu cơ. Sản phẩm của vùng chè Tức Tranh nổi bật bởi hương thơm tự nhiên và vị chát ngọt đặc trưng, được giới thiệu như một sản phẩm tiềm năng phát triển thành thương hiệu du lịch địa phương.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương cho biết: “Phú Lương là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Trong đó có một số tiềm năng nổi bật là rất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt những bản sắc văn hóa mang đặc trưng của địa phương, có di sản văn hóa lễ hội Cầu mùa và múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, mùa khèn của dân tộc Mông và hát Pả dung của dân tộc Dao”.

Tại điểm tham quan thứ hai, đoàn khảo sát được trải nghiệm điệu múa Tắc xình và nghe hát Sấng Cọ, là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chay. Người dân nhiệt tình giới thiệu về hoạt động văn hóa và nghi lễ truyền thống, giúp khách tham quan cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc. Đây là điểm đến tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa.

Điểm tham quan tiếp theo là Thung lũng tình yêu, tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Đây là thung lũng đẹp, có dãy núi bao quanh, không gian yên tĩnh, thật lý tưởng cho hoạt động dã ngoại kết nối gia đình và bạn bè. Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình là khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, huyện Định Hóa, nơi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp và những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn tham quan cảm nhận sâu sắc về giá trị lịch sử của khu di tích trong bối cảnh phát triển du lịch gắn liền với văn hóa, lịch sử. Đây là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Du khách đến ATK Định Hóa sẽ có cơ hội ghé thăm những di tích quan trọng, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, ghi dấu sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết sách, chủ trương, đường lối đúng đắn, tiêu biểu là quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp đó tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm: “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Riêng Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên có 17 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số toàn huyện. Các dân tộc sinh sống xen kẽ, quây quần, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, với những phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Đồng thời huy động lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện, đặc biệt triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Định Hóa nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu của hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đến từ nhiều địa phương cũng như đồng bào dân tộc thiểu số đang làm du lịch cộng đồng tại địa phương, từ vấn đề sản phẩm du lịch đặc sắc cho đến vệ sinh, an toàn thực phẩm hay sự đa dạng trong món ăn tiếp đón du khách.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Thái Nguyên có nhiều dân tộc cùng sinh sống, bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số rất đa dạng và đặc sắc. Tỉnh rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên xác định tổ chức triển khai phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng gắn với với phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc miền núi. Chúng tôi mong muốn tổ chức hội thảo tại các điểm đến du lịch nhằm triển khai hiệu quả hoạt động du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào thay đổi tư duy làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×