Thái Nguyên: Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch
10/06/2024 | 14:39Từ năm 2023 đến hết quý I năm 2024, doanh thu từ các hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt gần 2.500 tỷ đồng, trong đó quý I năm 2024 thu hơn 350 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số thu ở các lĩnh vực đều tăng, trong đó: Ẩm thực đạt 728 tỷ đồng, tăng gần 26%; lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, homsetay 385 tỷ đồng, tăng gần 10%; hoạt động mua sắm hàng hóa 316 tỷ đồng, tăng hơn 18%; thu từ vận tải 266 tỷ đồng, tăng gần 20%; thu từ các điểm tham quan trên 140 tỷ đồng, tăng hơn 13%; các dịch vụ khác đạt trên 309 tỷ đồng, tăng hơn 17%...
Tiếp đà tăng trưởng về du lịch, trong 5 ngày nghỉ Lễ dịp 30/4 năm nay (từ ngày 27/4 đến 01/5), các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón gần 148.000 lượt khách, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 108 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước.
Từ thực tế cho thấy, nguồn tài nguyên phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước được các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ tham gia làm du lịch khai thác có hiệu quả. Hầu hết đơn vị, cá nhân làm du lịch đã tìm ra được đáp án cho bài toán kinh tế du lịch. Đó là việc tạo thêm sản phẩm mới, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch...
Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch Công ty CP Khách sạn Đông Á, tâm huyết: Du lịch Thái Nguyên có sản phẩm cốt lõi là chè. Thời gian gần đây, chúng tôi đã chú tâm hơn, gắn các sản phẩm du lịch với sản phẩm trà, tạo ra một nét đẹp văn hóa rất Thái Nguyên và được nhiều du khách tin dùng. Hiện nay, Công ty đang nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch độc đáo có liên quan tới trà, qua đó góp sức cùng tỉnh tạo dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Thái Nguyên.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh: Cứ 100 khách nội địa thì có 73 khách đi theo hình thức tự túc; 27 khách còn lại đi theo tour. Còn khách nước ngoài đến Thái Nguyên chủ yếu tham gia thực hiện các dự án đầu tư. Nhiều nhất là khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Đức, Canada và các nước Đông Nam Á.
Bình quân 1 lượt khách đến Thái Nguyên có số thời gian lưu trú chưa đầy 1,5 ngày, trong đó khách đi theo tour bình quân hơn 1,3 ngày/lượt người; khách tự túc đi gần 1,5 ngày/lượt người. Về mức chi tiêu: Khách đi theo tour nộp tiền trọn gói cho doanh nghiệp lữ hành gồm các khoản đi lại, ăn, uống, ngủ nghỉ. Khách sắp xếp chuyến đi tự chi trả mọi khoản chi phí cho các dịch vụ.
Giá phòng khách tự đi có thể chi cao hơn so với theo tour, nhưng khách chủ động được việc lựa chọn sản phẩm du lịch theo sở thích. Ngoài chi cho đi lại, ăn, uống, ngủ nghỉ, vé vào các khu tham quan, du khách còn chi tiêu cho các khoản ngoài tour như dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm hàng hóa, quà tặng cho người thân.
Số lượng khách nội địa đến Thái Nguyên đạt cao, nhưng khách quốc tế lại không đáng kể, với hơn 20.000 lượt khách trong cả năm 2023 (chiếm 0,8% tổng lượng khách tham quan). Đến hết quý I-2024, lượng khách quốc tế đạt hơn 3.600 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Do khách quốc tế đến Thái Nguyên chủ yếu vì công việc, nên chủ yếu tự sắp xếp cho chuyến đi, với trên 17.000 lượt khách, chiếm hơn 85% trong năm 2023.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.
Cùng với đó là hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tất cả đều là nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho ngành du lịch khai thác, phát triển. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và một số hộ dân có hướng đầu tư làm kinh tế du lịch.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ tham gia làm du lịch, nhưng mới có 11 điểm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn…
Tiến sĩ Trần Ngân Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chuyển giao ứng dụng công nghệ & phát triển du lịch cộng đồng bền vững - TTSC, trăn trở: Về lâu dài thì phải định hướng được phát triển sản phẩm du lịch rõ ràng; từng khu, điểm du lịch cần có nhiều hoạt động phong phú, ấn tượng, nhưng phải có nét độc đáo riêng mới tạo cho du khách sự phấn chấn. Hơn nữa, các khu, điểm du lịch trong tỉnh nên có sản phẩm khác nhau, cùng với đó là chất lượng và sự liên kết giữa các khu, điểm thì mới kích cầu được du khách.
Trong điều kiện kinh tế phát triển, trào lưu đi du lịch giữa các quốc gia, giữa các tỉnh trong một nước là một nhu cầu thực. Đây là cơ hội tốt cho ngành du lịch trên cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng phát triển. Nhưng để khai thác hiệu quả, ngành du lịch Thái Nguyên luôn cần có sản phẩm đặc trưng, khác biệt và luôn đổi mới.
Ông Trần Văn Hưng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tôi cùng những người thân lựa chọn đến với Thái Nguyên vì đây là vùng đất mang nhiều dấu tích lịch sử và chứa đựng nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người mong muốn lần sau trở lại sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa những sản phẩm du lịch mới với chất lượng cao, có thương hiệu, đội ngũ nhân viên làm du lịch có trình độ chuyên môn cao…