Thái Nguyên: Gắn du lịch với bảo tồn di sản
19/06/2024 | 14:40Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê; hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm; 11 khu, điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh quyết định công nhận; gần 300 làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả… Với ngành Du lịch, đó là nguồn tài nguyên vô giá, càng khai thác, càng sinh lời.
Di sản tồn tại ở các dạng vật thể và phi vật thể. Nhưng nếu chỉ cất giữ, bảo quản thì di sản khó phát huy được giá trị, thậm chí trở thành vật vô nghĩa và nhanh chóng mai một theo dòng thời gian. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, cho biết: Thông qua hoạt động du lịch, di sản không những được giới thiệu quảng bá rộng rãi đến nhân dân, du khách, nhất là học sinh, sinh viên về một giai đoạn lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một quốc gia, mà còn được trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị.
Ghi nhận trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm tới việc bảo tồn di sản văn hóa. Trong 5 năm qua, tỉnh đã bố trí kinh phí hàng tỷ đồng khôi phục, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Cùng với đó, các doanh nghiệp và địa phương có di sản đã chủ động phối hợp, liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, khám phá, trải nghiệm của nhân dân, du khách.
Một thực tế dễ nhận thấy, các di sản văn hóa càng được ngành Du lịch khai thác, lại càng có sức sống mạnh mẽ và trở nên có giá trị hơn. Đó là sự lan tỏa giá trị di sản thông các hoạt động liên quan đến du khách. Ví như việc các doanh nghiệp làm du lịch đưa khách lên Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, thăm di tích đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc); mái lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát (xã Phú Đình)… ở đó, niềm tự hào về một giai đoạn lịch sử 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được khơi dậy.
Rồi ở huyện Võ Nhai, Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa gợi lên sự liên tưởng về cuộc sống của người tiền sử từ hàng vạn năm về trước. Hay Di tích lịch sử Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Di tích đền Đuổm (Phú Lương) mang câu chuyện kể về một thời cha ông ta đánh giặc.
Cùng với nhưng di tích lịch sử, Thái Nguyên còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể mang đậm nét bản sắc dân tộc, điển hình như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao.
Khi các di tích lịch sử trở thành điểm đến, thì các di sản văn hóa phi vật thể trở thành “món đặc sản” tinh thần giao lưu giữa đồng bào các dân tộc với du khách trong nước, quốc tế. Tất cả các di sản đều là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho ngành Du lịch phát triển.
Và du lịch càng phát triển, thì đồng thời các di sản càng được quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ. Đó là minh chứng sống động trong việc gắn kết giữa du lịch với phát huy giá trị di sản. Sự tương tác qua lại giữa du lịch và di sản văn hóa đã có tác động tích cực trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức của những người làm du lịch và người dân ở các địa phương có di sản.
Hầu hết những hộ dân sinh sống ở khu vực có di tích, họ không ngần ngại hiến đất hương hỏa để cơ quan chức năng Nhà nước thực hiện mở rộng khuôn viên, đường vào di tích. Còn với các di sản văn hóa phi vật thể cũng được nhân dân gìn giữ, phát huy giá trị thông qua hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.
Trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thái Nguyên vừa mời gọi nhà đầu tư đến hợp tác phát triển du lịch, vừa phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch đến du khách trong nước, quốc tế thông qua các ấn phẩm, tờ rơi và các nền tảng mạng xã hội.
Để di sản thực sự trở thành một “mỏ vàng” mang lại nguồn lợi lớn cho ngành Du lịch, đồng thời trở thành viên ngọc quý, tỏa ánh sáng hào quang trong đời sống văn hóa tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội và cả nhân loại, mấu chốt quan trọng là chính quyền địa phương có cơ chế chính sách quan tâm thỏa đáng cho phát triển du lịch, và cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Cùng với đó là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp làm du lịch và địa phương có di sản. Từ đó "biến" di sản trở thành nguồn tài nguyên phục vụ ngành Du lịch phát triển và tạo nguồn thu tại chỗ để “bồi bổ” cho di sản được nâng tầm.