Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Bình với phong trào xây dựng gia đình văn hóa

26/08/2021 | 15:46

Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét, có tác dụng thiết thực trong việc cổ vũ, nhân rộng điển hình, mô hình tiên tiến, qua đó không chỉ góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững, hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn khẳng định sức mạnh nội sinh của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân – Gia đình (tháng 1/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình mới tốt, gia đình tốt thì xã hội càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Xác định vai trò quan trọng đặc biệt của gia đình trong hình thành, giáo dục, xây dựng và phát triển nhân cách con người, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách góp phần xây dựng gia đình Việt Nam vừa mang những nét đặc trưng của gia đình truyền thống Việt, vừa không ngừng bổ sung, hoàn thiện những giá trị đạo đức mới phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72 lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Hơn nửa thế kỷ qua, Thái Bình là địa phương luôn được đánh giá là điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và có thời điểm được coi là điểm sáng của cả nước. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công tác xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm ngày thêm sâu sắc hơn. Cùng với việc quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, tỉnh ta tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Để phong trào được triển khai sâu rộng, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, phổ biến nội dung, những tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa,… Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như: qua các buổi sinh hoạt thôn, tổ dân phố, đoàn thể, qua các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài Phát thanh truyền hình, Báo Thái Bình, hệ thống truyền thanh địa phương; qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao,… Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch – cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tích cực chủ động tuyên truyền, phổ biến về phong trào tới mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói, phong trào đã, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiêu biểu như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", gia đình "5 không, 3 sạch"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân hạnh phúc", Hội Cựu chiến binh với phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu",... 

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn duy trì nhiều loại hình của các CLB, mô hình như: CLB “Gia đình phát triển bền vững”, nhóm phòng chống bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống ma túy từ gia đình... Những hoạt động cụ thể này đã làm cho nội dung phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Đồng thời, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình các cấp thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào; chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền các cấp thực hiện phong trào có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương. Công tác bình xét gia đình văn hóa hàng năm được thực hiện tốt, đảm bảo công khai, dân chủ, chất lượng; số lượng gia đình văn hóa của tỉnh luôn giữ ở mức cao và tăng theo các năm (Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa là 52.9%; năm 2005 là 62.4%; năm 2010 là 75.6%; năm 2015 là 80,1%, thì năm 2020 toàn tỉnh đã đạt 91,4% gia đình văn hóa. Như vậy sau 20 năm tỷ lệ gia đình gia đình văn hóa đã tăng 38,5%).

Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ta ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Nội dung của các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, nhất là trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu hiện nay. Qua phong trào, các gia đình đã tự ý thức nghĩa vụ, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới ở khu dân cư; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia hoạt động phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các cuộc sinh hoạt, hội họp của cộng đồng; xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng...

Có thể khẳng định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có tác động rất lớn vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển; đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều thách thức. Vì vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Để làm tốt hơn công tác xây dựng gia đình văn hóa, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác đăng ký, bình xét, xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Trong giai đoạn từ năm 2010- 2020 đã có hơn 600 gia đình được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam, 48 gia đình văn hóa tiêu biểu đã được UBND tỉnh trao tặng Bằng khen; 54 gia đình được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen, đây là minh chứng khẳng định kết quả rõ nét của phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai, thực hiện hiệu quả và lan tỏa sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thời gian qua.

Xây dựng gia đình văn hóa là sự vun bồi cho những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi được tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân đồng thời cần sự quan tâm, khích lệ của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy sẽ giúp phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng gặt hái thêm nhiều thành tích, thiết thực góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 04/2019/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, đồng thời, thiết thực góp phần phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

Theo Sở VHTTDL Thái Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×