Thái Bình định hướng phát triển du lịch nông nghiệp
25/10/2021 | 15:42Thái Bình - quê hương “chị hai năm tấn” cái tên quen thuộc đã thấm nhuần trong lòng không chỉ mỗi người con Thái Bình mà trên cả chiều dài hình chữ S. Với đặc trưng tiêu biểu văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, nơi đây chứa đựng nhiều giá trị chiều sâu văn hóa Việt với ý chí vươn lên mạnh mẽ của vùng đất anh hùng.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc, Thái Bình tích tụ cả bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc có giá trị của tỉnh như Chùa Keo, khu di tích lịch sử Nhà Trần, đền Đồng Bằng, đền Đồng Sâm, nhà thờ Lê Quý Đôn, khu lưu niệm Bác Hồ,… là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch. Đây cũng là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc với những làn điệu chèo, hát trống quân mượt mà đằm thắm, những trò rối nước độc đáo.
Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện nhân văn cùng với những loại hình du lịch đặc trưng thì Du lịch nông nghiệp với văn hóa, lịch sử, tâm linh, lễ hội, làng nghề và ẩm thực đặc sắc sẽ trở thành thế mạnh thu hút khách du lịch đến Thái Bình. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương... Tại Thái Bình những hình ảnh dân dã quen thuộc của làng quê như “cây đa, bến nước, sân đình” vẫn như còn nguyên vẹn, cảnh vật yên bình, không khí thoáng mát. Trong khi xã hội đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những yếu tố nguyên sơ, mộc mạc đó càng đáng trân trọng và cần được gìn giữ. Không ít các nhà nghiên cứu về du lịch đã nhận định đây chính là loại hình phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc”.
Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp là hình thức đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế - xã hội cho địa phương, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển sau đại dịch Covid-19 mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở đảm bảo 3 yếu tố: Đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương; Tăng cường xúc tiến quảng bá, truyền thông đến khách du lịch nội địa và các doanh nghiệp du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo cho lao động nông thôn và tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp.
Thái Bình đang trên đà phát triển hướng tới cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ với đặc điểm xuất phát từ nông nghiệp là chủ yếu, tuy có nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức đối với việc phát triển du lịch. Nhận thức đúng, hành động đúng là điều kiện tối quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Do đó, Thái Bình cần tập trung nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương, từ đó có những hành động mạnh mẽ để thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Thái Bình một cách hiệu quả, phát huy tối ưu được tiềm năng và thế mạnh./.