Thách thức đối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
17/06/2022 | 15:00Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã hoạt động bình thường và dần đông khách trở lại kể từ tháng 4. Sự khởi sắc về nguồn khách cho thấy tiềm năng du lịch vùng vẫn có sức hút, tuy nhiên vẫn có nhiều vấn đề khiến du lịch vùng ÐBSCL vẫn chưa thực sự bứt phá như kỳ vọng.
Bài toán sản phẩm và nhân lực
Chỉ số lưu trú khách du lịch tại ÐBSCL đến nay vẫn rất thấp, bình quân khách quốc tế là 1,95 ngày, khách nội địa là 1,7 ngày. Nguyên nhân là các điểm đến tại ÐBSCL vẫn còn đơn điệu, chưa có nhiều trải nghiệm và trùng lắp. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Hieutour Co., Ltd, cho rằng: “Các sản phẩm du lịch của vùng đang trùng lắp và bão hòa, chưa được đầu tư để tạo tầm ảnh hưởng quy mô lớn”. Thực tế trong những năm qua các điểm du lịch tại ÐBSCL hình thành rất nhiều, nhưng để chỉ ra điểm nổi bật thì rất ít. Thay vào đó, các điểm “ăn theo” lại phát triển. Cụ thể, tại Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có. Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có. Ðiều này khiến cho du khách dễ chán và có tâm lý đi một nơi đã biết hết. Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tôi buồn vì thực trạng này. Rõ ràng là mỗi tỉnh, thành ở ÐBSCL đều có những thế mạnh riêng và có thể khai thác những sản phẩm đặc trưng, độc đáo. Quan trọng là chúng ta phải có định hướng phù hợp. Tại Bạc Liêu, chúng tôi đang nỗ lực để xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với con tôm, đồng muối và gắn liền với hệ sinh thái địa phương”.
Sản phẩm du lịch trùng lắp ở ÐBSCL là vấn đề tồn tại rất lâu và là bài toán khó giải quyết. Thứ nhất, do quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của một số địa phương vẫn chưa cụ thể và phù hợp với thực tế phát triển của mỗi tỉnh, thành. Kế đến là hoạt động du lịch tự phát của người dân gây ra nhiều vấn đề tác động đến du khách, cũng như sự hình thành chuỗi sản phẩm của địa phương và của vùng. Thực tế, nhiều điểm vườn du lịch hoạt động vì thấy bên vườn kia làm được thì làm theo. Sự bắt chước rập khuôn này không chỉ khiến cho các sản phẩm trùng lắp mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Vì thế dễ xảy ra tình trạng “loạn giá” vì tranh giành khách và tạo hình ảnh không đẹp với du khách. Ðây cũng là một trong những lý do khiến khách đến ÐBSCL thường ít quay trở lại. Ông Miquel Angel P. Martorell, MQL Sustainable Tourism Services, chuyên gia Ban cố vấn du lịch Việt Nam, chia sẻ rằng: “Việc chăm sóc du khách ở các điểm du lịch ÐBSCL không thực sự tốt. Tôi cho rằng nhân sự làm du lịch là vấn đề phải được làm tốt hơn”.
Tại ÐBSCL, nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo đạt khoảng 61,5% (thống kê năm 2020). Tỷ lệ này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương, nhất là sau đợt dịch COVID-19, lực lượng lao động trong ngành bỏ việc, chuyển nghề rất nhiều. Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TM Du lịch và Sự kiện Ido tại Cần Thơ, cho biết: “Việc tuyển dụng nhân sự du lịch bây giờ rất khó khăn. Không ít người đã bỏ nghề, chuyển ngành, trong khi các em mới ra trường lại cho xu hướng lựa chọn đến các điểm trung tâm du lịch như Phú Quốc, Ðà Lạt nên chúng tôi rất khó tìm nhân sự”. Nguồn nhân lực du lịch tại ÐBSCL luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu thời gian qua nhưng đến nay nó vẫn chưa đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng. Tình trạng chung ở ÐBSCL là nhân sự sau thời gian qua đào tạo thì đi đến các trung tâm du lịch khác ngoài vùng ÐBSCL, gây nên sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực chất lượng cao.
Nỗ lực tìm giải pháp
Theo Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, hiện có 3 loại hình du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách nhất tại khu vực này, đó là: du lịch xanh, cảnh quan sông nước, sinh thái miệt vườn; du lịch nông nghiệp, nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống; và du lịch biển đảo chất lượng cao. Hiện nay, không gian du lịch vùng chia thành 6 tiểu vùng sinh thái và 2 cụm du lịch phía Tây và phía Ðông. Trong đó, cụm phía Tây (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng là nghỉ dưỡng biển đảo, sinh thái, sông nước, chợ nổi và tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Cụm phía Ðông (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) khai thác sản phẩm đặc trưng về nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn tham quan làng nghề, các di tích lịch sử và homestay. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nói: “Xu hướng du lịch giờ đã thay đổi, du khách lựa chọn du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên nên chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, đầu tư chất lượng, phát huy thế mạnh sinh thái, đặc trưng của mỗi địa phương”.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng để khai thác tốt các tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương thì các tỉnh, thành phải cùng bàn thảo và đưa ra những định hướng cụ thể, tránh giẫm chân nhau. Các địa phương nên chú trọng đến các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế ban đêm, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với lễ hội.
Tại ÐBSCL, thách thức đặt ra đối với phát triển du lịch vùng là duy trì di sản văn hóa và thiên nhiên, giảm thiểu các hạn chế về cơ sở hạ tầng. Do đó, các địa phương cũng nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch theo định hướng phát triển bền vững. Mục tiêu đề ra là xây dựng thương hiệu du lịch vùng với hệ thống sản phẩm đa dạng, gắn với sự phát triển bền vững về môi trường. Theo đó, du lịch vùng phải dựa trên đặc thù sông nước ÐBSCL, khám phá vùng đất với những câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất phương Nam. Trên cơ sở này cần có những hoạch định cho những điểm đến trung tâm. Ðơn cử như Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tập trung vào phát triển du lịch ở mảng giải trí, còn bến Ninh Kiều (Cần Thơ) có khả năng hỗ trợ hoạt động dựa trên sông Mekong, phát triển hệ thống du thuyền trên sông (loại hình được dự báo rất tiềm năng ở ÐBSCL). Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch ở Mũi Cà Mau (Khu du lịch quốc gia Năm Căn - Cà Mau), hệ sinh thái - du lịch tại Vườn quốc gia U Minh Hạ (Kiên Giang) cũng là một trong những điểm cần được đầu tư để xây dựng chuỗi sản phẩm xanh đặc trưng của vùng. Thế mạnh nông nghiệp của ÐBSCL cần được gắn với du lịch hướng đến xây dựng chuỗi sản phẩm độc đáo riêng cho vùng. Hiện ÐBSCL đang có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, như tham quan các trang trại hữu cơ, trải nghiệm các rừng ngập mặn, rừng tràm ngập nước…
Ðối với nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và các trường có đào tạo về du lịch bắt tay nhau hợp tác để đảm bảo nhân lực đầu vào phù hợp thực thế. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Quản lý dự án Bảo Gia Farm Camping (Hậu Giang), cho biết: “Việc tìm kiếm nhân sự hiện tại đỡ vất vả hơn vì trước đó chúng tôi và các trường ở địa phương có hợp tác để sinh viên thực tập. Qua đó, chúng tôi giúp các em tiếp cận thực tế, đồng thời dễ tuyển dụng được nhân sự phù hợp”. Ðồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc phụ trách lưu trú khách sạn Mường Thanh (Cần Thơ), chia sẻ: “Khách sạn chúng tôi luôn tạo điều kiện để sinh viên thực tập và cũng tuyển được nhân sự từ nguồn này. Chúng tôi cũng luôn chủ động đến các sự kiện ngày hội việc làm của các trường để tuyển nhân sự”.
Du lịch ÐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực. Ðây cũng là hai vấn đề then chốt cần được quan tâm và tháo gỡ để từng bước làm mới diện mạo và thúc đẩy sự phát triển du lịch vùng.