Tây Ninh tiếp tục tạo đà bứt phá, thu hút khách du lịch
27/08/2024 | 14:17Du lịch Tây Ninh đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và tài nguyên hiện có, phát triển liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ để tiếp tục tạo đà bứt phá, thu hút khách du lịch.
Những năm qua, ngành du lịch Tây Ninh đã phục hồi và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngành du lịch Tây Ninh đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch hiện có, phát triển liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Là một trong 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước, Tây ninh nổi tiếng với với núi Bà Đen được mệnh danh “nóc nhà Nam Bộ;” nếu nói điểm đặc sắc của Bà Rịa-Vũng Tàu là “xuống biển,” điểm đặc sắc của Tây Ninh chính là “lên rừng.”
Tây Ninh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử-văn hóa, từ Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát… Cao điểm mùa khô Đông Nam Bộ, có thời điểm nắng nóng 39-40 độ C, nhưng nhiệt độ trên đỉnh núi Bà Đen luôn thấp hơn 8-10 độ C, như là một thế giới khác. Có đường biên giới gần 240km với Vương quốc Campuchia cùng 16 cửa khẩu, cũng là một lợi thế để địa phương này phát triển du lịch.
Về văn hóa, ẩm thực, từ nhiều năm nay Tây Ninh đã nổi danh với những món ăn tưởng là giản dị, nhưng lại được rất nhiều người thực sự “hâm mộ,” như bánh tráng trộn, bánh tráng phơi sương, bò tơ, bánh canh, muối ớt, các món chay... Năm 2023, nghề làm muối ớt và nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh, tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng; trong đó có 1 Di tích Quốc gia Đặc biệt, 27 Di tích Quốc gia, 68 Di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Cũng theo ông Trần Anh Minh, những năm qua, Tây Ninh đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ nhóm các điểm tham quan trọng điểm (Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích Quốc gia Đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam) cùng với nhóm các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa (Vườn Di sản ASEAN-Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát) và hệ thống các di tích trên địa bàn mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng.
Đặc biệt, Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen được tỉnh Tây Ninh xác định sẽ làm trọng tâm phát triển, dẫn dắt du lịch của địa phương. Do đó, núi Bà Đen ngày càng được đầu tư hiện đại với nhiều công trình tâm linh độc đáo.
Năm 2023, núi Bà Đen đạt 5 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi. Trong khi đó, tính đến hết tháng Bảy năm nay, núi Bà Đen chính thức đạt 4 triệu lượt đi cáp treo. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực cho thấy lượng khách đến với núi Bà Đen trong năm nay hứa hẹn tăng đáng kể, nhất là vào dịp cuối năm.
Chị Trần Hoài Thanh Mỹ, ngụ tỉnh Cà Mau, cho rằng đường giao thông thuận lợi cùng với những điểm đến hấp dẫn là những điểm cộng cho Tây Ninh về du lịch. Theo chị Mỹ, nếu như trước đây, gia đình chị đến Tây Ninh chỉ đến núi Bà Đen rồi về thì nay đã có nhiều điểm hơn để khám phá, trải nghiệm. Du lịch đêm tuy chưa phát triển nhưng tận dụng thời gian này để khám phá ẩm thực Tây Ninh là điều phù hợp nhất.
Trung tâm phát triển dịch vụ du lịch
Thống kê 7 tháng của năm nay, lượng khách du lịch đến Tây Ninh đạt 3,7 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 2.024 tỷ đồng, tăng 39,4% so cùng kỳ năm ngoái.
Những số liệu trên đây cho thấy sự đúng đắn của Trung ương và địa phương đã đặt ra trước đó trong quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ du lịch là một trong những động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị chức năng Tây Ninh đã có nhiều hoạt động; từ xúc tiến thương mại du lịch sang nước ngoài, tổ chức các lễ hội, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… hay phối hợp các địa phương lân cận Bình Dương và Bình Phước khảo sát, hoàn thiện tour “1 cung đường-3 điểm đến”…
Từ năm 2020, Tây Ninh đã ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 giữa 6 tỉnh, thành phố trong vùng. Đến giữa tháng Tám vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng đã chính thức ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2029.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhận định việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác về lĩnh vực du lịch, góp phần đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đưa du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung, du lịch Tây Ninh nói riêng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới.
“Việc ký kết hợp tác phát triển du lịch sẽ giúp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng. Đặc biệt trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch, các địa phương sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh, bổ trợ cho nhau những sản phẩm du lịch mới lạ, tăng tính liên kết. Qua đó gia tăng chất lượng du lịch vùng Đông Nam Bộ, giúp lan tỏa sản phẩm du lịch các địa phương ra thị trường quốc tế,” ông Nguyễn Hồng Thanh nói.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, địa phương đang triển khai nhiều đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, nhất là kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, từ đó góp phần phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của tỉnh.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như khách sạn từ 3-5 sao, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, hệ thống cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, Tây Ninh cũng tăng cường thêm các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour tuyến du lịch giữa các tỉnh, thành phố; từng bước thu hút, mở rộng thị trường du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, còn một yếu tố quan trọng khác có thể giúp du lịch Tây Ninh thực sự bứt phá, nhưng để thực hiện, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ Trung ương và các tỉnh trong vùng. Đó là con đường mới để giảm tải cho Quốc lộ 22 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh từ nhiều năm nay đã rất quá tải, thường xuyên kẹt xe trầm trọng.
Với thời gian dự kiến khởi công dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài vào tháng 5/2025 và hoàn thành, thông xe tháng 12/2027; kỳ vọng những tiềm năng du lịch của Tây Ninh nhất định sẽ sớm “bùng nổ”./.