Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tạo thương hiệu Vĩnh Long từ thế mạnh văn hóa

28/02/2023 | 09:36

Xây dựng thương hiệu địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. Từ những điểm nổi trội về văn hóa, Vĩnh Long có thể hấp dẫn, lôi cuốn đầu tư, tham quan, du lịch, mua sản phẩm hàng hóa địa phương.

Tạo thương hiệu Vĩnh Long từ thế mạnh văn hóa - Ảnh 1.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là 1 trong 3 Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ.

“Kinh đô văn hóa miền Tây”

Theo TS Nguyễn Văn Hiến- Trường ĐH Tài chính- Marketing TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long”, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá và đề xuất chiến lược định vị thương hiệu tỉnh Vĩnh Long với khẩu hiệu: “Kinh đô văn hóa miền Tây”.

Định vị thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của địa phương. Tuy nhiên, định vị thương hiệu địa phương cần phải có nét độc đáo, riêng có khác biệt với các địa phương khác và phải mang lại các giá trị mà địa phương khác không có hoặc không làm được.

Định vị hình ảnh thương hiệu tỉnh Vĩnh Long không có lợi thế nổi trội như một số tỉnh thành khác về kết cấu hạ tầng với hệ thống cầu đường hiện đại, cao ốc chọc trời. Vĩnh Long cũng không có các khu công nghiệp rộng lớn, các nhà máy hiện đại, không có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng…

Tuy nhiên, Vĩnh Long lại sở hữu những giá trị khác biệt, với nét độc đáo riêng như cảnh quan sông nước hữu tình, con người hiền hậu và giàu bản sắc văn hóa được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Tạo thương hiệu Vĩnh Long từ thế mạnh văn hóa - Ảnh 2.

Thế mạnh du lịch góp phần định vị thương hiệu Vĩnh Long.

TS Nguyễn Văn Hiến cho biết, riêng lĩnh vực văn hóa, Vĩnh Long có nhiều giá trị vượt trội và rất riêng ở khu vực ĐBSCL. Tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.

Theo sử sách ghi lại thì Vĩnh Long là vùng đất có nhiều bề dày lịch sử văn hóa bậc nhất khu vực miền Tây Nam Bộ gắn liền với công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cho đến nay, Vĩnh Long vẫn còn nhiều di tích văn hóa cấp quốc gia như Văn Thánh Miếu (được mô tả như Quốc Tử Giám của miền Tây Nam Bộ), chùa Tiên Châu, đình Long Thanh, chùa Phước Hậu...

Những di tích này gắn liền với truyền thống hiếu học và chống ngoại xâm của người dân Vĩnh Long. Và ngay từ trong buổi đầu hình thành vùng đất Nam Bộ, Vĩnh Long đã sớm hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm với vai trò “dẫn dắt” chung cho cả khu vực. Đây cũng được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều bậc hiền tài của quốc gia. Hiện nay, Vĩnh Long vẫn được xem là vùng “đất học” với nhiều trường ĐH, CĐ, dạy nghề trên địa bàn.

Tuy nhiên, để biến Vĩnh Long thực sự trở thành một “Kinh đô văn hóa miền Tây” đúng nghĩa thì Vĩnh Long cần phải quan tâm đầu tư nâng cấp và nâng tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, để yếu tố văn hóa của tỉnh phải đậm nét hơn, dễ nhận biết và cảm nhận hơn. Tạo sự khác biệt và nổi trội về văn hóa, gồm: văn hóa du lịch, văn hóa công sở, văn hóa đường phố, văn hóa học tập, văn hóa ẩm thực…

Bên cạnh đó, phải nâng tầm các lễ hội truyền thống nổi bật như: lễ hội Văn Thánh Miếu, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Lăng Ông Trà Ôn... Nâng cấp hoạt động các CLB đờn ca tài tử, hát bội…

Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long lập dự án xây dựng phim trường lớn nhất khu vực để phục vụ khách tham quan du lịch với nhiều gameshow văn hóa đặc sắc; sản xuất bộ phim, tác phẩm điện ảnh gắn với lịch sử văn hóa Vĩnh Long để góp phần tuyên truyền giá trị văn hóa, con người Vĩnh Long đối với nhân dân cả nước, nhất là giới trẻ…

Nét riêng độc đáo từ du lịch

Nhận thức được vai trò của ngành công nghiệp không khói, từ nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy “về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện khâu đột phá thứ hai về tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Đồng thời, chú trọng khâu đột phá thứ ba về đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch”. Theo đó, tập trung triển khai 5 đề án phát triển du lịch, nổi bật là Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”; đề án “Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL”; Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”…

Theo TS Nguyễn Bách Khoa- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Vĩnh Long là tỉnh giàu tiềm năng về du lịch, có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng. Tỉnh đã có chủ trương phát triển du lịch từ rất sớm.

Đội ngũ làm du lịch khá đông đảo, đa phần có nhiệt huyết, có kinh nghiệm. Hiện nay, cần nâng cao nhận thức về lĩnh vực du lịch đối với sự phát triển của tỉnh, của cộng đồng nói chung, những nhà lãnh đạo, quản lý và người dân, nhất là các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch nói riêng.

Cũng cần sự liên kết chặt chẽ các đơn vị để thống nhất xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu, điểm, tour, tuyến du lịch, tránh sự trùng giẫm và cạnh tranh trong nội bộ ngành.

Tạo thương hiệu Vĩnh Long từ thế mạnh văn hóa - Ảnh 3.

Vĩnh Long giàu truyền thống văn hóa, lễ hội, làng nghề độc đáo.

“Điều đặc biệt lưu ý là thúc đẩy để Dự án Di sản đương đại Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sớm hoàn thành. Đây có thể nói là 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo nhất mang tầm vóc quốc tế. Nghề gạch gốm ở Mang Thít có bề dày lịch sử hơn trăm năm và phương thức sản xuất đạt trình độ văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật độc đáo như hình thức, mỹ thuật lò nung, nghệ thuật đốt lò, cách bố trí các cụm sản xuất,… với vùng lõi của di sản hơn 300ha.

Song song đó, việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tái hiện làng quê, cư dân, sinh hoạt, phương thức sản xuất, nông ngư cụ,... sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch phong phú và độc đáo”, TS Nguyễn Bách Khoa chia sẻ.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với đặc thù của ngành dịch vụ có tính cạnh tranh cao, định vị thương hiệu du lịch là việc khó, đòi hỏi một quá trình lâu dài, bài bản. Mỗi giá trị thương hiệu du lịch được định vị sẽ là trụ cột quan trọng thúc đẩy ngành du lịch Vĩnh Long tăng tốc và phát triển bền vững.

Theo Báo Vĩnh Long

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×