Tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai
20/11/2023 | 10:21Đồng Nai hiện có 133 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số trên 3,6 ngàn phòng, trong đó 16 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao.
Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, Đồng Nai còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh sắc phong phú rừng, núi, hồ, sông… đã khắc họa nên một Đồng Nai hội tụ những giá trị về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử lâu đời của miền Nam. Ngày nay, những giá trị trên đã và đang trở thành tiềm năng để Đồng Nai khai thác các sản phẩm du lịch khám phá văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.
Khám phá vùng đất của sự hội tụ
Du lịch Đồng Nai luôn được nhắc đến với những địa danh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch (KDL) Suối Mơ (H.Tân Phú); thắng cảnh hồ Trị An, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, làng bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu); KDL Bửu Long, Sơn Tiên, chùa Ông (TP.Biên Hòa); KDL núi Chứa Chan và các điểm du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp khu vực Long Khánh, Xuân Lộc… Đây đang là những điểm đến được nhiều người biết đến, thu hút hàng trăm ngàn du khách tham quan mỗi năm.
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh, Đồng Nai có hàng ngàn di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật, nhà cổ nổi tiếng. Theo thống kê từ Sở VHTTDL, Đồng Nai hiện có trên 1,5 ngàn di tích, với gần 70 di tích được xếp hạng. Trong đó có các di tích cấp quốc gia đặc biệt như: Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh) và Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) cùng 29 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như: Thành kèn Biên Hòa, Nhà Xanh, Văn miếu Trấn Biên, đình Tân Lân… cùng hàng chục lễ hội văn hóa, ẩm thực diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh đã tạo nên một vùng đất Đồng Nai giàu bản sắc văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển.
Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu hút cả triệu người từ các địa phương trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh sống. Sự hội tụ kinh tế, dân số đã làm dày thêm bản sắc văn hóa, ẩm thực của Đồng Nai, góp phần tạo nên một Đồng Nai đa sắc, năng động và hiện đại. Đây cũng là những tiềm lực, tạo nên thương hiệu cho du lịch Đồng Nai phát triển những sản phẩm du lịch riêng, đồng thời trở thành mắt xích quan trọng trong liên kết, phát triển các tuyến du lịch với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) cho biết, để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng, trang bị các kiến thức về du lịch cho người dân làm du lịch, hệ thống các điểm đến, nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt, vừa qua, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị đối tác khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, đơn vị tư vấn sẽ đưa ra những giải pháp xây dựng sản phẩm theo đặc thù từng địa phương. Hy vọng đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy thị trường du lịch tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong 10 tháng năm 2023, Đồng Nai thu hút trên 2,4 triệu lượt khách tham quan và lưu trú, doanh thu đạt trên 1,4 ngàn tỷ đồng, tăng trên 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Nâng tầm du lịch từ những dự án đẳng cấp
Với định hướng tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững, đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp du khách, du lịch Đồng Nai đang tăng tốc triển khai xây dựng các sản phẩm mới, bảo đảm những tiêu chí chất lượng, bền vững và khẳng định được thương hiệu, đẳng cấp riêng.
Ông Lê Kim Bằng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, H.Xuân Lộc đang hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn dựa trên những thành quả xây dựng nông thôn mới nổi bật của huyện. Đặc biệt, Xuân Lộc có ngọn núi cao thứ nhì khu vực Đông Nam bộ và cũng là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác xứng tầm. H.Xuân Lộc đã quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch núi Chứa Chan, tạo động lực khai thác những lợi thế xung quanh hồ Núi Le, Gia Ui. Huyện đang tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc, xây dựng dự án du lịch núi Chứa Chan - hồ Núi Le với quy mô trên 1 ngàn ha. KDL núi Chứa Chan được quy hoạch xây dựng thành sản phẩm du lịch đẳng cấp, tạo cú hích phát triển cho du lịch Đồng Nai.
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Đồng Nai đã quy hoạch hơn 20 dự án du lịch để mời gọi đầu tư với tổng vốn lên đến hơn 1 tỷ USD. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn như: dự án KDL sinh thái nuôi thú bán hoang dã (safari) với quy mô trên 412ha (H.Vĩnh Cửu); KDL sinh thái hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) với diện tích khoảng 1 ngàn ha; KDL sinh thái nghỉ dưỡng ven hồ Trị An diện tích gần 570 ha…
Về chiến lược phát triển du lịch của Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai đang có hạ tầng cơ sở du lịch khá tốt, với các sản phẩm du lịch nổi bật như: KDL Sơn Tiên, KDL Suối Mơ, Vườn quốc gia Cát Tiên… Thế nhưng, hiện du lịch Đồng Nai đang đi vào phân khúc bình dân, chưa có thương hiệu du lịch quốc tế. Do đó, để trở thành địa phương có du lịch đẳng cấp và thu hút được khách du lịch quốc tế, ngoài những sản phẩm du lịch đã phát triển, Đồng Nai cần đầu tư vào phân khúc du lịch cao cấp. Tỉnh có đủ các lợi thế để trở thành địa phương có đẳng cấp về du lịch.
Đồng Nai hiện có 133 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số trên 3,6 ngàn phòng, trong đó 16 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao. |
Theo Báo Đồng Nai