Tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên
13/08/2021 | 08:00Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế của giai đoạn trước, tỉnh Thái Nguyên xây dựng Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và địa phương.
Mục tiêu của Chương trình là hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện; xây dựng và phát triển thể dục, thể thao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc và bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Mặc dù chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh đã được quan tâm song các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu điều kiện để đăng cai các giải thể thao toàn quốc, khu vực; cơ sở vật chất, sân bãi, nhà tập luyện và thi đấu tại các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở còn thiếu, chưa đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu tập luyện của quần chúng Nhân dân; công tác tuyên truyền, hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn hạn chế trong việc khai thác giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nhất là các di tích lịch sử, văn hóa còn khó khăn; du lịch chưa có bước phát triển đột phá để thực sự là ngành kinh tế quan trọng, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đề ra một số giải pháp như: Nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở; xác định xây dựng và phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người là nguồn nhân lực quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa của địa phương; đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên; tăng cường đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch; đảm bảo nguồn kinh phí cho sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch; thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân và nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động văn hoá, thể thao; điều chỉnh chế độ khen thưởng đối với thể thao thành tích cao; hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn bền vững gắn với sản phẩm OCOP; đảm bảo chất lượng dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia đóng góp công sức, nguồn lực cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Nguồn lực để thực hiện Chương trình với tổng kinh phí là trên 4,1 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và các nguồn vốn xã hội hóa các nguồn hợp pháp, đảm bảo định mức tối thiểu theo quy định, nguồn kinh phí đầu tư cho Chương trình tiết kiệm, hiệu quả.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp như trên, hứa hẹn khi thực hiện thành công Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.