Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tạo bản sắc cho du lịch Thái Nguyên

23/01/2024 | 15:10

Du lịch Thái Nguyên đã từng bước khởi sắc, có nhiều dấu ấn nhưng yếu tố bản sắc và sự riêng có vẫn còn chưa rõ nét. Nếu địa phương muốn phát triển du lịch 4 mùa, tránh tình trạng “ngủ đông ảm đạm” thì cần xây dựng nét bản sắc độc đáo và có sự định vị rõ nét - Đây là nhận định được các chuyên gia về lĩnh vực lưu trú và phát triển du lịch đưa ra trong các hành trình Famtrip về với Thái Nguyên được tổ chức trong năm 2023.

Tạo bản sắc cho du lịch Thái Nguyên  - Ảnh 1.

Famtrip - Caravan and Trekking “Cung đường mùa thu - Thái Nguyên 2023” được tổ chức tháng 9/2023

Famtrip là một hình thức du lịch miễn phí dành riêng cho hãng lữ hành, phóng viên, nhà báo tới các điểm để khảo sát, lựa chọn, xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp; đưa ra gợi ý về sản phẩm du lịch cho các địa phương. Năm 2023, Thái Nguyên đón 4 Đoàn Famtrip với nhiều hoạt động và đề xuất hiệu quả cho ngành du lịch. Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty du lịch Fivestar Travel, chia sẻ: Thái Nguyên đã thành công trong việc biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Tuy nhiên, tỉnh thật sự cần thêm giải pháp để du lịch bứt phá bằng những sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc và sự riêng có.

Trong 4 chương trình, Famtrip - Caravan and Trekking “Cung đường mùa thu - Thái Nguyên 2023” có lẽ ấn tượng hơn cả. Với trải nghiệm 2 ngày 1 đêm, Đoàn đã đến nhiều điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên); Trại ngựa Bá Vân, hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công); trải nghiệm sản phẩm du lịch và dịch vụ lưu trú tại HTX du lịch cộng đồng Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ). Đặc biệt, Đoàn đã thiết kế hành trình đi bộ xuyên rừng sườn Đông Tam Đảo và đưa ra gợi ý về sản phẩm du lịch mới tạo tính liên vùng, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) chia sẻ: “Cá nhân tôi là tay ngang khi làm du lịch, những thành viên của HTX cũng không được đào tạo bài bản. Điều chúng tôi trăn trở là hầu hết du khách chỉ ở lại nửa buổi, hoặc 1 ngày, tỷ lệ lưu trú thấp”. Chị Vi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ cho rằng: “Tôi thấy Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp và quan tâm định vị thương hiệu cho du lịch. Tuy nhiên, bà con chưa đầu tư các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khả năng truyền đạt và quảng bá văn hóa thông qua sản phẩm du lịch chưa hiệu quả. Vì vậy, cần có những hướng dẫn viên chuyên nghiệp hơn, để truyền tải thông điệp, thông tin đầy đủ nhất với du khách. Và điều quan trọng là tránh đầu tư quá nhiều vào xây dựng, mà cần giữ gìn lại bản sắc và vẻ đẹp hoang sơ của các điểm đến”.

Tạo bản sắc cho du lịch Thái Nguyên  - Ảnh 2.

Đoàn Famtrip khám phá sườn Đông Tam Đảo bằng hình thức Trekking

Dịch vụ du lịch cũng là một nội dung được các đơn vị lữ hành góp ý cho Thái Nguyên. Anh Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Á Châu chia sẻ: Thái Nguyên có rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều điểm đang phát triển các dịch vụ tương đối giống nhau và nét độc đáo khá mờ nhạt. Để thu hút du khách đến và lưu trú, tỉnh cần quan tâm xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng, riêng có ở mỗi điểm. Nghĩa là mỗi một điểm đến sẽ có một điểm nhấn về bản sắc gây được sự tò mò, thích thú và trải nghiệm của du khách. Tiến sĩ Trần Thị Ngân Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Phát triển du lịch cộng đồng bền vững thì cho rằng: “Việc khai thác các homestay ở Thái Nguyên dường như mới dừng lại ở điểm nghỉ chứ chưa thật sự có những sản phẩm văn hóa riêng biệt. Chè Thái Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, vậy tại sao chúng ta không thiết kế những sản phẩm quà tặng, đồ dùng từ chè. Ví dụ như khi khách lưu trú tại homestay có thể sử dụng sản phẩm kem đánh răng, xà bông, mặt nạ làm từ chè xanh, và những lọ hoa nhỏ dùng để trang trí cũng từ hoa chè hoặc búp trà. Bên cạnh đó, giáo dục sinh tồn là một trong những điều phụ huynh cũng như toàn ngành Giáo dục rất quan tâm. Tại sao lại không gắn kết các dịch vụ trải nghiệm gắn với giáo dục kỹ năng sinh tồn, như khám phá sườn Đông Tam Đảo… Tôi tin rằng nếu như chú ý vào những vấn đề từ nhỏ nhất và đưa văn hóa vào từng sản phẩm du lịch tạo sự độc đáo, Thái Nguyên sẽ thành công trong phát triển du lịch cộng đồng”.

Tạo bản sắc cho du lịch Thái Nguyên  - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài trải nghiệm trong Tết cơm mới tại Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên)

Bên cạnh góp ý trực tiếp vào các vấn đề sát thực tiễn của phát triển du lịch cộng đồng, các đoàn Famtrip cũng gợi ý về xúc tiến du lịch. Việc xúc tiến du lịch cần được chú trọng và làm liên tục. Nếu như xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mang bản sắc và tính riêng có đã thành công mà không có xúc tiến, quảng bá thì rất khó để du khách biết và tìm về với du lịch Thái Nguyên. Bởi vậy, các HTX cần tận dụng lợi thế của truyền thông xã hội, sử dụng đa dạng các kênh và sáng tạo các sản phẩm truyền thông hấp dẫn hơn nữa phù hợp với từng nhóm khách hàng tiềm năng.

Theo Cổng TTĐT Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×