Tăng sức hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng
01/04/2024 | 14:34Đà Nẵng là điểm đến du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, để tạo sức hút và giữ chân đối với du khách trong và ngoài nước là bài toán không hề dễ đối với những người làm du lịch. Những loại hình du lịch mới, đầu tư, bổ sung thêm sản phẩm là cách mà ngành du lịch Đà Nẵng đang lựa chọn để thu hút khách.
Chủ động linh hoạt xây dựng sản phẩm
Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương có đủ các điều kiện và năng lực cạnh tranh để trở thành một trung tâm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Bởi sự kết hợp giữa tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ tạo ra các sản phẩm điểm đến của Đà Nẵng hết sức khác biệt.
Là doanh nghiệp chuyên đưa khách từ các thị trường Đông Nam Á đến Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy nhận định, xu hướng đi du lịch của khách hiện nay đã có nhiều thay đổi và yếu tố quan trọng để thu hút khách chính là tạo ra các sản phẩm du lịch. Chưa kể, mỗi thị trường khách thường có nhu cầu, thị hiếu khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp phải chủ động và linh hoạt để xây dựng sản phẩm, thu hút khách.
Ông Thủy chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa các loại hình du lịch, mang tính trải nghiệm mới cho du khách nước ngoài, tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới mà ít có đơn vị khai thác, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng tính tương tác cho du khách với người dân địa phương. Đồng thời, luôn chú ý nâng cấp dịch vụ du lịch tốt hơn, tăng giá trị dịch vụ trong từng khâu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm; định hướng, tư vấn cho đối tác trong nước, nhà cung cấp dịch vụ xây dựng sản phẩm dịch vụ mới lạ hơn, xây dựng chuỗi giá trị riêng biệt cho từng dòng khách có quốc tịch khác nhau, đặc tính riêng… Ví dụ đối với khách Lào thì thích hải sản, tắm biển; khách Thái Lan thì thích các món đặc sản miền Trung; khách từ Phillippines thì chú trọng vào hàng hóa, mua sắm; khách Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia thì trải nghiệm đêm, chuộng mát xa, đi thuyền sông Hàn; khách Ấn Độ và Hồi Giáo thì càng riêng biệt về ẩm thực Halal, các món ăn chay và dịch vụ du lịch khác. Mỗi thị trường có một đặc thù khác nhau, chúng tôi phải tìm tòi, nghiên cứu và thích ứng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp cho từng thị trường…”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát đánh giá, thời gian qua, ngành du lịch, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển các sản phẩm trải nghiệm du lịch để tạo ra một môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho du khách. Các sản phẩm trải nghiệm của du khách tại Đà Nẵng hiện khá đa dạng và phong phú. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như đi thuyền, lặn biển, lướt sóng, leo núi và tham quan các di tích và danh lam thắng cảnh…
Tăng cường ứng dụng công nghệ số, quảng bá du lịch
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách là một quá trình liên tục và không ngừng nâng cao. Đà Nẵng cần duy trì và nâng cấp hạ tầng du lịch, cải thiện dịch vụ và đáp ứng các xu hướng mới trong ngành du lịch để tiếp tục thu hút và giữ chân du khách quốc tế. Vì vậy cần bảo đảm an toàn và sức khỏe của du khách; tăng cường các dịch vụ tư vấn để du khách được cập nhật các thông tin mới nhất, chính xác nhất; phát triển các sản phẩm linh hoạt tạo ra các sản phẩm tour, dịch vụ linh hoạt phù hợp với lịch trình của khách. Đặc biệt cần tăng cường trải nghiệm kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ và các trang mạng xã hội, kênh thông tin để tương tác với khách hàng; tạo trải nghiệm độc đáo và cá nhân hóa bằng cách xây dựng các tour tham quan nhỏ, các nhóm trải nghiệm văn hóa địa phương, hoặc các hoạt động dịch vụ tại điểm đến để mang đến sự khác biệt…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, ít có điểm đến nào sở hữu các giá trị tài nguyên thiên nhiên phong phú (biển, bờ biển, rừng, núi, sông hồ); các di sản văn hóa xung quanh đa dạng (phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế…); hệ thống hạ tầng giao thông, dịch vụ lưu trú đầy đủ, đẳng cấp đáp ứng được hầu hết các nhu cầu ngày càng cao của du khách như tại Đà Nẵng. Xu hướng thị trước khách du lịch ngày nay có nhiều thay đổi trong việc cân nhắc, lựa chọn điểm đến hoặc tổ chức các sự kiện… nên những người làm du lịch cũng phải nhanh chóng thích nghi để bổ sung cho phù hợp.
Ông Dũng chỉ ra việc ngày nay khách du lịch không chỉ có nhu cầu nhìn ngắm, quan sát và nghe thuyết minh từ hướng dẫn viên du lịch tại các khu điểm tham quan, mà còn muốn được tham gia vào các hoạt động thường ngày của người dân địa phương, trực tiếp trải nghiệm các hoạt động văn hóa, tham gia các lớp học để hiểu biết sâu hơn về điểm đến và có khoảng thời gian thú vị cùng người thân và bạn bè. Hay du lịch kết hợp tham gia các sự kiện lớn về âm nhạc, thể thao, giải trí ngày càng được ưa chuộng, nhất là đối với đối tượng khách du lịch trẻ tuổi. Khách thường lên kế hoạch tham gia các sự kiện thể thao hoặc giải trí được tổ chức trong năm ở trong và ngoài nước, kết hợp tham quan khám phá điểm đến nơi tổ chức sự kiện…
Để bắt kịp xu hướng thay đổi trong thị hiếu, thói quen, nhu cầu du khách, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột; đa dạng hoá sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tới các thị trường trọng điểm. Nên thiết kế riêng với từng thị trường bao gồm việc lựa chọn sản phẩm dịch vụ phù hợp, sử dụng ngôn ngữ đặc thù, lựa chọn kênh quảng bá phố biến tại thị trường và đầu tư hình thức quảng bá phù hợp với thị hiếu và thói quen của khách du lịch tại thị trường đó… ông Dũng gợi ý.