Tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy du lịch Thái Nguyên
15/11/2021 | 08:42Những năm qua Thái Nguyên đã chủ động tham gia các chương trình liên kết, hợp tác nhằm quảng bá nét văn hóa, sản phẩm du lịch; qua đó thu hút du khách và tăng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của địa phương.
Đa dạng hóa mô hình liên kết
Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết những năm qua Thái Nguyên đã chủ động tham gia các chương trình, hoạt động hợp tác phát triển du lịch liên vùng nhằm tuyên truyền, quảng bá những nét đặc trưng, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên; thu hút du khách và tăng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của địa phương.
Nổi tiếng với thương hiệu "trà Thái", Thái Nguyên đã phối hợp, liên kết với các địa phương có vùng chè đặc sản và sản phẩm trà trong cả nước để đăng cai tổ chức thành công các kỳ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam vào các năm 2011, 2013 và 2015. Với những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và mang tính cộng đồng, Festival Trà Thái Nguyên đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên; thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Trong liên kết du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, Thái Nguyên đã tích cực tham gia và thể hiện vai trò quan trọng trong mô hình hợp tác “Qua những miền di sản Việt Bắc”, đặc biệt là việc tổ chức thành công chương trình lần thứ XII hồi tháng 4/2021. Đây là cơ chế liên kết, hợp tác quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, là cầu nối giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc với cả nước.
Ngoài ra, ngành du lịch Thái Nguyên còn tham gia chương trình liên kết giữa các tỉnh có chung dãy núi Tam Đảo với Hà Nội (Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc); chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trên trục Quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương và Quảng Ninh); chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc; chương trình phát triển du lịch cụm hiệp hội du lịch 16 tỉnh phía Bắc.
Năm 2021, nhằm tiếp tục khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã hợp tác với tỉnh Quảng Bình, mời chuyên gia của Đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến khảo sát tại hang Phượng Hoàng, hang Suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai), hang Chùa (huyện Đồng Hỷ) và thu được nhiều kết quả khả quan cho định hướng phát triển du lịch hang động tại tỉnh Thái Nguyên.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thái Nguyên cũng quảng bá mạnh mẽ về du lịch thông qua các giải thể thao lớn, giải thể thao cấp quốc gia trên địa bàn. Giải đua thuyền Cup Canoeing toàn quốc năm 2020 do Thái Nguyên đăng cai tổ chức tại hồ Núi Cốc đã để lại dấu ấn tốt với các đoàn vận động viên và người hâm mộ; là dịp giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa trà và các điểm đến của Thái Nguyên trong suốt thời gian diễn ra giải đấu.
Hình thành các sản phẩm hấp dẫn
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch tại tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, lượng khách tại các điểm tham quan, cơ sở lưu trú cùng doanh thu ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên triển khai hàng loạt giải pháp để phục hồi ngành du lịch, trong đó có tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết phát triển.
Ngành du lịch Thái Nguyên tiếp tục hưởng ứng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn” và chương trình “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Thái Nguyên cũng tăng cường liên kết với nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong vùng du lịch để thúc đẩy các hoạt động lữ hành sau dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho rằng việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng, khu vực đã góp phần giới thiệu, quảng bá những điểm đến du lịch tỉnh Thái Nguyên với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có những giải pháp liên kết, tạo sản phẩm du lịch chung; nhờ đó cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Sau chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021, Thái Nguyên đã rà soát các tuyến, điểm du lịch và kết nối phát triển sản phẩm, thu hút du khách. Trong thời gian tới địa phương này sẽ giới thiệu hai sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm tour du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn (Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Di tích đền Đuổm; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên) và tour du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải, khám phá văn hóa trà tại vùng chè Tân Cương).
Bên cạnh đó, nhiều tour du lịch đã được doanh nghiệp xây dựng, là kết quả của hợp tác liên tỉnh, liên vùng đã được Thái Nguyên thực hiện nhiều năm qua. Về tour ngắn ngày, du khách có thể tham quan Thái Nguyên kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm - chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Hạ Long (Quảng Ninh)…
Nếu tham gia các chương trình dài ngày như tour "khám phá 6 tỉnh Việt Bắc" hoặc "khám phá Đông Bắc", du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp và trải nghiệm bản sắc riêng có tại vùng Việt Bắc như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang). Đây cũng là vùng đất còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Lô Lô… được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn./.