Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội

03/08/2022 | 16:29

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nêu thực trạng tuân thủ và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hoá.

Những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Sau 20 năm ban hành Luật Di sản văn hóa và hơn 10 năm luật được sửa đổi bổ sung, hoạt động phát huy di sản văn hóa ngày càng phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội cho biết, sau khi có Luật Di sản văn hóa, căn cứ quy định về phân cấp quản lý nhà nước, quy chế quản lý, thực trạng, giải pháp, kết quả thực hiện và công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bản TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phân cấp quản lý trên địa bàn thành phố.

Ở cấp thành phố, UBND TP Hà Nội quản lý theo thẩm quyền đối với 10 di tích. Trong đó, giao Trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long quản lý 2 di tích và giao Sở Văn hóa và Thể thao quản lý 8 di tích. Thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích quan trọng do thành phố trực tiếp quản lý và các di tích quốc gia đặc biệt khác do thành phố quản lý sau khi được xếp hạng.

Các di tích còn lại trên địa bàn thành phố được phân cấp, giao UBND quận, huyện, thị xã tổ chức quản lý, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định pháp luật. Công tác quản lý trực tiếp tại các di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh được UBND cấp huyện phân cấp giao UBND cấp xã tổ chức quản lý, đầu tư chống xuống cấp, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng. (Ảnh: Xuân Trường)

Về tình hình tuân thủ Luật Di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được UBND TP Hà Nội quy định, chỉ đạo, giao các sở, ban ngành liên quan tham mưu để hướng dẫn thực hiện.

Lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa, UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, ban hành văn bản quản lý chuyên ngành về di sản văn hoá nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý kịp thời về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, tổ chức lễ hội, công tác PCCC, vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội.

Sở Văn hóa và Thể thao chủ động nghiên cứu, tham vấn xin ý kiến chuyên môn nghiệp vụ của Cục Di sản văn hoá, Bộ VHTTDL, các sở, ban ngành của Hà Nội làm cơ sở ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với các UBND quận, huyện, thị xã, phòng Văn hoá - Thông tin cấp huyện nhằm kịp thời tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, xử lý các vụ việc phát sinh liên quan.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao hàng quý phối hợp cùng UBND cấp huyện tăng cường nghiệp vụ, công tác quản lý di sản văn hoá, tuân thủ pháp luật trong các dịp lễ hội đầu năm, đôn đốc thực hiện việc tu bổ cấp thiết, chống sập đổ, chống mối mọt trong mùa mưa bão; PCCC, bảo vệ môi trường, hoạt động tín ngưỡng, chống mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức kế hoạch khảo sát di tích xuống cấp trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã để tổng hợp, kịp thời báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ chống xuống cấp hàng năm đối với các di tích bị hư hại nặng, có nguy cơ sập đổ.

Sở cũng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, điều chỉnh, cắm mốc khu vực khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích phù hợp với tình hình thực tế; công tác thẩm định hồ sơ quy hoạch, dự án, thiết kế tu bổ di tích, cấp phép xây dựng công trình trong vùng bảo vệ di tích hoặc vùng ảnh hưởng đến di tích, phố cổ, làng cổ theo đúng thẩm quyền, công tác đăng ký di vật cổ vật, cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập, kinh doanh giám định cổ vật, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích đảm bảo đúng thủ tục.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hoá và Thể thao làm công tác kiểm kê, phân loại, lưu giữ, bảo tồn, công nhận, vinh danh các di sản văn hoá phi vật thể, phát huy và có chính sách đối với nghệ nhân,... Cùng với đó là các hoạt động khảo sát và tư liệu hóa, đào tạo và truyền dạy, nghiên cứu và phục hồi, quảng bá và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành thường xuyên để cập nhật, xây dựng hồ sơ bổ sung đúng trình tự, thẩm quyền, quy định pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và dư luận tích cực.

Tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội - Ảnh 2.

Di sản văn hoá Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Để tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hóa, theo ông Đỗ Đình Hồng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới: Luật Di sản văn hóa phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tin ngưỡng tôn giáo, và các luật có liên quan trong quá trình triển khai thực thực hiện.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực di sản văn hóa. Có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ hoạt động bảo tồn, trao truyền cho đội ngũ kề cận.

Bên cạnh đó, đảm bảo chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, các bảo tàng ngoài công lập. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, quan hệ công tác cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng các cấp (Trung ương và địa phương) trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khắc phục tình trạng chồng chéo.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề xuất đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức quản lý di sản với tổ chức UNESCO để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý di sản văn hóa, đặc biệt là chương trình hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với việc lấy nguồn lực văn hoá và sáng tạo văn hoá làm nền tăng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Hiện nay Hà Nội là thành phố đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tham gia trong mạng lưới này của UNESCO./.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×