Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại Lào Cai
20/06/2020 | 17:15Lào Cai tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa; Cao Bằng động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; Hà Giang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tầng lớp nhân dân trong việc quan tâm, bảo vệ giá trị di sản là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Lào Cai: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa
Sở VHTTDL đã có Báo cáo Công tác văn hóa, thể thao và du lịch tháng 6/2020.
Theo đó, trong tháng, đối với lĩnh vực văn hóa, Sở VHTTDL đã đôn đốc, kiểm tra việc tuyên truyền, cổ động trực quan và trang trí khánh tiết đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; triển khai kế hoạch sản xuất sản phẩm âm nhạc chào mừng thành công đại hội đảng bộ tỉnh; tuyên truyền, phát động Cuộc thi "Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020"; tuyên truyền Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2020;...
Đơn vị đã triển khai công tác quản lý nhà nước về di tích gửi các huyện, thị xã: Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà và thành phố Lào Cai; rà soát, đánh giá thực trạng về công tác quản lý di tích tại địa phương nhằm xây dựng quy chế quản lý di tích, danh thắng, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác quản lý di tích tại thị xã Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, TP. Lào Cai, Văn Bàn, Bảo Yên; tham mưu văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai; Tham gia xin ý kiến thẩm định danh mục thực hiện dự án xây dựng chương trình bảo tồn kiến trúc văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá (Xá Phó) dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai và họp thống nhất đề xuất chủ trương liên quan đến dự án.
Ngoài ra, Sở VHTTDL đã hướng dẫn tổ chức các hoạt động Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày gia đình Việt Nam 28/6; Ban hành kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020; Ban hành văn bản tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; …
Trong tháng, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh đã tổ chức chiếu phim lưu động, tuyên truyền lưu động vụ cơ sở với chủ đề tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, Tuyên truyền phổ biến pháp luật, Nông thôn mới, Vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại; Giữ gìn chủ quyền biên giới biển đảo tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Sa Pa.
Hệ thống thư viện phục vụ 4 cuộc lưu động và trưng bày ấn phẩm tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các huyện, thành phố; 12 lượt tuyên truyền giới thiệu bài viết theo chủ đề: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; Đại hội Đảng bộ các cấp; Chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 6/2020; Giới thiệu sách; Những bài viết về miền Văn hóa Du lịch Lào Cai; Tin hoạt động của Thư viện; Tuyên truyền về ngày Quốc tế Thiếu nhi;...
Trên cơ sở các kết quả đạt được, trong tháng 07/2020, sở VHTTDL sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, hoạt động tại các di tích, danh thắng; ban hành kế hoạch tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Lào Cai năm 2020; triển khai Đề án của Bộ VHTTDL về "Xây dựng, tổ chức và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở giai đoạn 2021-2025"; Triển khai thực hiện Bảo tồn văn hóa ẩm thực dân tộc Mông, Phù Lá, Tày huyện Bắc Hà phục vụ phát triển du lịch, năm 2020;…
Cao Bằng: Động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp
Sở VHTTDL đã có Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án tổ chức định kỳ "Ngày hội, giao lưu, văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 – 2020".
Theo đó, trong giai đoạn này, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động VHTTDL phục vụ đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới với 90 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp/năm; 120 buổi tuyên truyền lưu động/năm; 1.344 buổi chiếu phim vùng cao/năm và nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng về hát dân ca, dân vũ các dân tộc tạo không khí vui tươi, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.
Đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch khu vực và toàn quốc, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tham gia các sự kiện như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX tại tỉnh Bắc Kạn năm 2015; Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ V, tại tỉnh Tuyên Quang năm 2015; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II, tại tỉnh Hà Giang năm 2016; Ngày Hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất tại tỉnh Tuyên Quang năm 2017; Hội nghị già làng, trưởng bản, người uy tín, nghệ nhân tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn, biên giới do Bộ VHTTDL tổ chức tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) năm 2019;…
Riêng tại địa phương, hàng năm, Sở VHTTDL đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, tiếp thu những tinh hoa văn hóa đặc sắc trong quá trình hội nhập quốc tế. Tiêu biểu như: Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc và thi đấu thể thao cụm các huyện miền Tây, miền Đông; Hội nghị giao ban Câu lạc bộ phòng Văn hóa và Thông tin các cụm huyện miền Đông tại huyện Thạch An, và các cụm huyện miền Tây tại huyện Nguyên Bình năm 2014; Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc và thi đấu thể dục thể thao cụm miền Tây năm 2016; Liên hoan Hát Then, Đàn Tính tỉnh Cao Bằng lần thứ I năm 2017 gắn với Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc; Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc và thi đấu thể thao tỉnh Cao Bằng năm 2018; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng năm 2018; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại các huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An năm 2019; Liên hoan Hát Then, Đàn Tính tỉnh Cao Bằng lần thứ II năm 2019; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Hòa An năm 2020.
Hà Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tầng lớp nhân dân trong bảo vệ giá trị di sản
Sở VHTTDL đã có báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ VHTTDL quy định kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay tỉnh Hà Giang đã thực hiện công tác Kiểm kê được 11/11 huyện, thành phố. Trong đó đã khảo sát kiểm kê sơ bộ được 14 dân tộc: Nùng (Nùng Xuồng), Tày, Pà Thẻn, Dao, Mông (Hoa), Hoa (Hán), Cờ Lao, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Giáy (Giấy), Bố Y, Lô Lô (đen, hoa), Kinh.
Ngoài việc thực hiện công tác kiểm kê theo địa bàn, Hà Giang còn tổ chức Kiểm kê theo loại hình (kiểm kê chuyên đề). Cụ thể: Năm 2013 thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Then dân tộc Tày - Nùng trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và thành phố Hà Giang; Năm 2015 thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Then dân tộc Tày trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và thành phố Hà Giang; Năm 2018 thực hiện công tác kiểm kê chuyên đề di sản văn hóa phi vật thể về lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, Đồng Văn.
Sở VHTTDL đã đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tầng lớp nhân dân trong việc quan tâm, bảo vệ giá trị di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ; Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương, khuyến khích, động viên các nghệ nhân có tâm huyết và đang lưu giữ di sản; Mở lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên; Tiếp tục kiểm kê theo chuyên đề, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian các dân tộc, có sự khen thưởng khích lệ thỏa đáng, tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo tồn và nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; Phục dựng một số lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc; Có kế hoạch tôn vinh giá trị các loại hình di sản trong các dịp diễn ra lễ hội với sự tham gia của người dân địa phương.