Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
21/07/2025 | 13:05Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6741/VPCP-KGVX ngày 21/7/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính gửi các Bộ ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Văn bản gửi các Bộ: Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Nội vụ, Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, xét đề xuất, kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Báo cáo số 273/BC-BVHTTDL ngày 10 tháng 7 năm 2025 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam; Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính có ý kiến như sau:
Ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm cùng vai trò đ iều phối của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm thu hút khách du lịch quốc tế thời gian qua. Thời gian tới, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, quán triệt sâu sắc và tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là tại Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp đột phá về quảng bá xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao, đẩy nhanh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm đến; đồng thời tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Để góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam, yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng du lịch mới trên thế giới, đặc biệt là các chính sách đột phá của các quốc gia cạnh tranh, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa ngành Du lịch Việt Nam phát triển bền vững; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, lưu trú, quản lý khu, điểm du lịch, kịp thời xử lý các vi phạm (nếu có), bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, an toàn, hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Bộ Công an chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và Công an các địa phương phối hợp với cơ quan quản lý du lịch tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của khách du lịch và người lao động nước ngoài trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc đăng ký, khai báo tạm trú và quản lý người nước ngoài trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, giảm chi phí, tạo đ iều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt vào các khu vực biên giới; phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nước ngoài trong lĩnh vực du lịch, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người nước ngoài vào làm việc trái phép.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi du khách.
Bộ Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý lao động nước ngoài trong lĩnh vực du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài làm việc không phép, trái phép hoặc hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh.
Bộ Tài chính chủ trì, tổ chức triển khai chương trình chuyên đề về giám sát và chống thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch; tăng cường chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương, đẩy mạnh công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp lữ hành, trung tâm mua sắm và cửa hàng phục vụ khách du lịch; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thuế, hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế, bảo đảm việc xuất hóa đơ n và hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; tập trung nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quy trình hoàn thuế cho du khách quốc tế được nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chỉ đạo phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại, an toàn, chi phí hợp lý cho du khách quốc tế; tăng cường quản lý, giám sát các điểm chấp nhận thanh toán, phòng chống gian lận; đồng thời, đẩy mạnh kết nối thanh toán xuyên biên giới với các thị trường du lịch trọng điểm.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo: (1) Tăng cường công tác quản lý các điểm đến du lịch; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động đón khách du lịch quốc tế; (2) Nâng cao chất lượng môi trường du lịch trên địa bàn, nhất là tại các khu vực du lịch trọng điểm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức văn minh du lịch trong cộng đồng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại các điểm tham quan du lịch; chỉ đạo các lực lượng chức n ăng tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng dịch vụ du lịch và điều kiện kinh doanh du lịch trên địa bàn; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch (như ép giá, lừa đảo du khách, gian lận thương mại, hoạt động hướng dẫn “chui”...); (3) Xây dựng và hoàn thiện các kênh tiếp nhận phản ánh của du khách (đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ du khách, ứng dụng du lịch thông minh...) nhằm tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; hỗ trợ công tác quản lý và đảm bảo an toàn cho du khách.
Đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của địa phương trong quá trình quản lý hoạt động du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được h ướng dẫn, xử lý, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hiệp hội du lịch địa phương tăng cường kết nối hội viên, tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhân lực du lịch và hướng dẫn viên. Chủ động phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp triển khai các chư ơng trình kích cầu du lịch, đảm bảo không chạy theo việc giảm giá gây ảnh hưởng chất lượng dịch vụ; tích cực hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực.