Tăng cường bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh phía Bắc
03/07/2020 | 09:54Bắc Kạn bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội; Bắc Giang chú trọng bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; Hệ thống di sản văn hóa tại Lào Cai được bảo tồn trong cộng đồng, trở thành một phương tiện để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là những tin nổi bật thời gian qua.
Bắc Kạn: Bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội
UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, 100% các xã, phường, thị trấn thuộc 08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện kiểm kê DSVHPVT, kết quả toàn tỉnh kiểm kê được 431 phiếu DSVHPVT thuộc các nhóm ngôn ngữ: Mông - Dao; Việt - Mường, Hán - Hoa; Tày - Thái. Qua đó phát hiện 291 DSVHPVT thuộc 07 loại hình DSVHPVT.
Trong tổng số 291 DSVHPVT, tỉnh đã lựa chọn 20 di sản tiêu biểu để lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, kết quả có 16 di sản được công nhận là: "Nghi lễ cấp sắc của người Dao"; "Chữ Nôm của người Dao"; "Chữ Nôm của người Tày"; "Lượn Slương của người Tày"; "Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể"; "Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày"; "Nghệ thuật múa khèn Mông"; "Lễ cấp sắc của người Tày"; "Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao"; "Lễ mừng sinh nhật" (mừng thọ) của người Nùng; "Lễ cấp sắc Tào" của người Tày; "Nghi lễ cấp sắc Pụt" (Lẩu Pụt) của người Tày; "Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ; "Lượn cọi" của người Tày; "Hát Pá Dung của người Dao" và "Lễ Kỳ Yên" của người Tày.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các tỉnh có di sản Then lập Hồ sơ đề cử quốc gia "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 12/12/2019, UNESCO đã công nhận hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" là DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Việc các DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh được công nhận và ghi danh vào Danh mục DSVHPVT quốc gia thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với di sản văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định tính hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc đặc trưng văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung, từng loại hình DSVHPVT nói riêng. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, văn hóa, con người Bắc Kạn đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Đây chính là nguồn tài nguyên nhân văn, là tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng, hình thành hệ thống các DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh trở thành một điểm đến hấp dẫn, một "địa chỉ đỏ" kết nối du khách gần xa đến với địa phương. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để tỉnh Bắc Kạn xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và các cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư thực hiện công tác bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, du lịch, dịch vụ một cách bền vững.
Bắc Giang: Chú trọng bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể
Theo Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tƣớng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng VH-XH ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2025, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình hành động số 75-CTr/TU ngày 20/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kế hoạch số 1515/KH-UBND ngày 11/5/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng VH-XH ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước và của tỉnh; Quan tâm xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.
Ngoài ra, đơn vị sẽ chú trọng bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các nước trong khu vực, trong cộng đồng ASEAN và các nước có mối quan hệ truyền thống với tỉnh Bắc Giang.
Tổ chức tốt các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh; tích cực đăng cai tổ chức giải quốc tế, quốc gia để các vận động viên có điều kiện tập luyện và tham gia thi đấu đạt thành tích cao. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao.
Quan tâm thu hút, đầu tư vào phát triển du lịch và các dịch vụ thương mại; tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành mở rộng liên kết các tour, tuyến du lịch ngoài tỉnh và từng bước tham gia hội nhập quốc tế.
Lào Cai: Hệ thống di sản văn hóa được bảo tồn trong cộng đồng, trở thành một phương tiện để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Theo Báo cáo Công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình 6 tháng đầu năm 2020, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tiếp tục được Sở VHTTDL triển khai thực hiện một các có hiệu quả và trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Sở đã tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa theo Quyết định 4180/QĐ-UBND ngày 11/12/2019; Rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng 4 DSVHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, kết hợp nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu cho 4 di sản tại 24 xã, phường; Truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tổ chức nghi lễ, nội dung bảo vệ và phát huy 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở 13 xã, phường trong cộng đồng dân tộc, địa phương có di sản, kết hợp hướng dẫn "bảo tồn sống" di sản trong cộng đồng; Lựa chọn DSVHPVT quốc gia tiêu biểu hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch gồm: Nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ, Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông, di sản Khắp Nôm Tày và Lễ hội Xuống đồng tại huyện Văn Bàn.
Bằng những hoạt động cụ thể, hệ thống di sản văn hóa được bảo tồn trong cộng đồng, có giá trị trao truyền, trở thành một phương tiện để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch phục vụ phát triển du lịch Hoạt động Bảo tàng được duy trì, có nhiều đổi mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid -9.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2020 cũng được Ngành triển khai tích cực. Phong trào đã tham gia tích cực vào trận tuyến phòng chống dịch Covid-19 từ các thôn, bản, tổ dân phố, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hoạt động của ngành như: mừng Đảng, mừng Xuân năm 2020; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền Học tập tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; Phòng chống Bạo lực gia đình; Tuyên truyền Đại Hội Đảng các cấp; kỉ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Nông thôn mới;...
Ước đến 30/6/2020, các Đội tuyên truyền lưu động trên toàn tỉnh thực hiện 200 buổi, đạt 20,5% kế hoạch. Các đội chiếu phim lưu động trên toàn tỉnh thực hiện 158 buổi, đạt 25% kế hoạch.
Ngoài ra, Sở VHTTDL tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa đọc; Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra;…