Tái hiện Hà Nội những năm 60 trong tiểu thuyết "Chín bỏ làm mười"
02/04/2018 | 11:23Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Phụ Nữ ra mắt tiểu thuyết "Chín bỏ làm mười" vào ngày 5/4/2018
Tham gia tọa đàm ra mắt "Chín bỏ làm mười" công chúng thủ đô có dịp hội ngộ với tác giả Trần Chiến, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Tiểu thuyết "Chín bỏ làm mười"lấy bối cảnh là không gian khu phố cổ Hà Nội những năm 60 của thế kỉ XX. Khác với lối viết chương hồi thông thường, câu chuyện được kể lại bằng việc thay đổi linh hoạt giọng kể. Lần lượt, 7 ngôi kể là: cậu bé Nam Mọt sách, bác Lẫm Biết tuốt, chị Tâm mun, ông Biếc Dân phòng, chị Hiếu "cơm", Lâm đồng cô và thủ từ Khiêm, bằng suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình đã thuật lại mọi sự việc trong khu phố Hàng Nồi một cách đầy sinh động và chân thật. Bằng đấy nhân vật, là những đại diện tiêu biểu của con phố nhỏ mà ẩn chứa trong đó vô vàn rắc rối, mâu thuẫn của xã hội những năm sau khi hòa bình lập lại.
"Chín bỏ làm mười" là tâm thức cư xử của người Việt, đã được tác giả lựa chọn làm chủ đề chính của tiểu thuyết. Có những việc, nếu cứ hành xử theo cách này thì mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc và con người càng thêm hằn học, tức tối và căm ghét nhau hơn.
Có thể nói, đây là một cuốn tiểu thuyết viết về Hà Nội với những nét rất đặc trưng của xã hội thành thị những năm sau hòa bình lập lại. Bạn đọc có thể có một sự hình dung tương đối đầy đủ về phố cổ phố Hàng Nồi với sự xô lệch, chia cắt về không gian sống, sự có mặt sinh sống làm ăn của người Hoa, những nét sống của thời văn hóa bao cấp, và hơn cả là cuộc sống nhiều lo toan, bươn bả của con người trong những năm tháng không thể nào quên đó.
Tác giả Trần Chiến đã quen thuộc với độc giả với những tác phẩm gắn liền với Hà Nội như "A đây rồi Hà Nội 7 món" (tạp văn) 2014, "Cậu ấm" (tiểu thuyết ) 2014, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2015. Trong lần trở lại này, ông cũng tiếp tục mang hơi thở của Hà Nội đến với công chúng, một Hà Nội đang từng ngày phát triển, đan xen vào đó là những bất cập cần phải nhìn nhận trực diện để thay đổi./.
Gia Linh