Tái hiện “Di sản văn hóa Óc Eo” tại Văn Miếu
26/04/2018 | 12:37Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa phối hợp với Bảo tàng An Giang đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Di sản văn hoá Óc Eo” tại nhà Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đây là cuộc triển lãm thứ hai do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học (VHKH) Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Bảo tàng An Giang đã tổ chức sau Triển lãm: “Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long và lịch sử khoa cử Việt Nam” năm 2018 tổ chức tại tỉnh An Giang. Qua đó, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu tới công chúng Thủ đô di sản văn hóa Óc Eo - di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng mở ra hướng đi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa các bảo tàng, di tích trên cả nước.
Cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Theo đó, triển lãm giới thiệu tới công chúng gần 100 hình ảnh và hơn 40 hiện vật gốc (đồ dùng thờ cúng, sinh hoạt, sản xuất, trang sức, vật liệu kiến trúc…) được khai quật và tìm thấy ở An Giang trong các đợt khảo cổ (từ năm 1994 đến những năm đầu thế kỷ 21).
Ông Phạm Định Phong- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, “Đây là lần đầu tiên,những giá trị di sản của văn hóa Óc Eo đã được giới thiệu tại không gian trang nghiêm, cổ kính, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu –Quốc Tử Giám. Đánh giá cao sự tích cực và chủ động của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng An Giang, ông Phong cho rằng triển lãm cũng là bước khởi đầu để giới thiệu những hiện vật, tài liệu quý hiếm đến công chúng.
Hiện vật của nền văn hóa Óc Eo rất phong phú bao gồm nhiều chất liệu: gốm,gỗ, đá, vàng, đồng, thiếc, thủy tinh... Ảnh: Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Nền văn hóa Óc Eo là nền văn hóa cổ ở châu thổ sông Cửu Long có niên đại từ thế kỉ II đến thế kỉ VII sau Công nguyên, được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vào năm 1944. Hiện vật của nền văn hóa Óc Eo rất phong phú bao gồm nhiều chất liệu: gốm,gỗ, đá, vàng, đồng, thiếc,thủy tinh, có di vật mang phong cách Bà la môn giáo, Phật giáo, có chữ viết, có tiền tệ, có một hệ thống sản xuất nhiều ngành nghề từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,có quan hệ với các trung tâm chính trị- văn hóa đương thời và có một đời sống tinh thần phong phú, có sức lan tỏa rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.
Triển lãm kéo dài đến hết 24/5/2018./.