Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng 2018 mang đến câu trả lời “Điều gì tạo nên một gia đình?”

29/03/2019 | 08:13

Bộ phim Shoplifters (tạm dịch: Kẻ trộm siêu thị) của Nhật Bản đoạt giải Cành cọ vàng 2018 đã mang đến nhiều thông điệp sẽ được tái ngộ khán giả Việt cuối tháng 3/2019.

Câu chuyện gia đình từ góc nhìn mới lạ

Trong tiểu thuyết Anna Karenina, nhà văn Leo Tolstoy đã viết: "Các gia đình có hạnh phúc đều giống nhau". Nhưng có lẽ Leo Tolstoy chưa bao giờ gặp gia đình Osamu trong bộ phim Shoplifters với "cái cách" hạnh phúc chẳng giống bất cứ ai.

Tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng 2018 mang đến câu trả lời “Điều gì tạo nên một gia đình?” - Ảnh 1.

Các nhân vật trong phim "Shoplifters".

Shoplifters là bộ phim xoay quanh một ngôi nhà tồi tàn với năm con người nghèo khổ, thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Họ kiếm sống "thêm" bằng nghề trộm cắp "vặt" tại các siêu thị, cửa hàng và tiệm tạp hóa nhỏ. Năm số phận khác nhau, chẳng hề có quan hệ ruột thịt, đã đến bên nhau, sẵn sàng chia sẻ không gian sống cùng nhau, nương tựa vào nhau như một gia đình giữa lòng một nước Nhật hiện đại bậc nhất.

Khác với hình dung của thế giới về một đất nước mặt trời mọc thịnh vượng, đạo diễn Kore-eda đã phác họa lên một Nhật Bản với những mặt trái về sự bất ổn trong cuộc sống gia đình hiện đại, sự tù túng trong suy nghĩ và tệ nạn trộm cắp, khiến nạn nhân chính là những đứa trẻ không được thừa nhận, bị bỏ rơi, không được giáo dục, thậm chí bị bạo hành gia đình.

Đây không phải lần đầu tiên Kore-eda khai thác chủ đề này, trước đó, các phim Nobody Knows (2004), Still Walking (2008), I Wish (2011), Like Father Like Son (2013), Our Little Sister (2015), After the Storm (2016) của ông đều xoay quanh sự kết nối trong gia đình và những mặt tối của xã hội. Có thể nói, phong cách làm phim hiện thực của Kore-eda đang là trào lưu mới của điện ảnh Nhật Bản và sẽ trở thành phong cách chủ đạo trong tương lai.

Tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng 2018 mang đến câu trả lời “Điều gì tạo nên một gia đình?” - Ảnh 2.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda nhận giải Cành cọ vàng cho hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2018. (Ảnh: Los Angeles Times)

Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times về những bộ phim khai thác mặt tối của xã hội Nhật Bản hiện đại, đạo diễn Kore-eda đã chia sẻ: "Nhiều khán giả khi xem phim mong muốn nhìn thấy các nhân vật trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn khi bộ phim kết thúc. Nhưng tôi không muốn làm những bộ phim như vậy, bởi chúng là những lời nói dối. Và tôi không muốn là kẻ nói dối."

Cây bút Geoff Andrew của tờ Time Out chấm bộ phim 4/4 sao và gọi Kore-eda là "Ozu của điện ảnh Nhật đương đại" bởi lối kể chuyện tiết chế cảm xúc nhưng vẫn khiến người xem không khỏi rung động.

Bộ phim hiện đang nhận được 99% điểm tích cực trên trang Rotten Tomatoes. Hầu hết các bài điểm phim đều đánh giá kịch bản Shoplifters giàu tính nguyên bản, vừa ngọt ngào vừa chua xót về chủ đề gia đình hiện đại.

Đằng sau những câu chuyện đời thường luôn là một sự hấp dẫn đến bí ẩn

Dưới bàn tay tài hoa của Kore-eda, câu chuyện trần trụi này trở nên gần gũi hơn. Bởi sự thật về gia đình ấy hoàn toàn khác so với những gì họ thể hiện ra bên ngoài và cả với những gì người khác nhìn thấy.

Tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng 2018 mang đến câu trả lời “Điều gì tạo nên một gia đình?” - Ảnh 3.

Ông lão ở tiệm tạp hóa chủ động cho Shota hai thanh kẹo. (Ảnh cắt từ phim)

Đằng sau những câu chuyện đời thường luôn là một sự hấp dẫn đến bí ẩn. Điều này đã được đạo diễn hình ảnh Ryûto Kondô khai thác một cách thực tế đến trần trụi trong Shoplifters. Nhà làm phim đã không ngần ngại hướng ống kính của mình đến thân phận của những con người bé nhỏ bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh ngay trong các đô thị lớn.

Những cảnh quay đối lập về ngôi nhà ổ chuột chật chội với đồ đạc, chăn gối, quần áo, bát đũa chồng chất lên nhau nhưng lại luôn rộng mở tình yêu thương và sự quan tâm sẽ là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc đối với người xem. Hình ảnh ông lão ở tiệm tạp hóa cũ kỹ luôn biết Shota hay ăn trộm đồ của cửa hàng nhưng không hề nói ra. Ông chỉ lên tiếng khi Shota dạy Juri ăn cắp, và chủ động đưa kẹo cho hai đứa trẻ là một hình ảnh mang tính giáo dục cao, bởi đó cũng là bước ngoặt, giúp Shota nhận thức được hành vi của mình để trở thành một đứa trẻ tốt.

Tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng 2018 mang đến câu trả lời “Điều gì tạo nên một gia đình?” - Ảnh 4.

Ảnh cắt từ phim

"Tôi đã tìm thấy cô bé ấy", Nobuyo trong cảnh thẩm vấn ở nửa cuối bộ phim đã nói. "Cô bé bị vứt bỏ bởi một người khác." Nobuyo đã thốt lên với một nỗi buồn đến tuyệt vọng. Chính điều này đã mang đến toàn bộ âm hưởng cho Shoplifters, một bộ phim nằm giữa dòng phim tội phạm và dòng phim gia đình. Nhưng điều đặc biệt gây xúc động tới khán giả, là ở chỗ, bằng những nét vẽ tinh tế từ chi tiết đến chuyển động, bộ phim đã làm mờ đi ranh giới giữa không thể tha thứ và thấu hiểu, để các nhân vật có thể tìm ra được sự nhẹ nhàng nhất trong những tình huống ảm đạm và kinh khủng của phim.

Thế nào là gia đình trong thế kỷ XXI ?

Đi theo cả bộ phim, người xem sẽ luôn tự vấn một câu hỏi lớn: "Điều gì tạo nên một gia đình?". Nhân vật Nobuyo khi nhìn thấy bố mẹ Juri đang cãi vã, khi nghe thấy người mẹ thốt lên: "Tôi không muốn sinh ra nó" đã nói bâng quơ với Osamu: "Không phải ai biết mang bầu, đẻ con cũng có thể trở thành một người mẹ". Lời thoại đáng suy ngẫm ấy, khiến cho họ quyết định "bắt cóc" Juri, nhưng cũng là để tìm mảnh ghép cuối cùng, mảnh ghép Juri bé nhỏ gắn bó và kết nối những con người xa lạ và luôn sống trong sợ hãi lại với nhau, để tạo ra một thứ, gọi là gia đình.

Gia đình ấy có thể không có học thức, có thể không có tiền bạc và địa vị, thậm chí, chẳng hề có máu mủ với nhau, nhưng điều hạnh phúc nhất mà họ có, là có thể nương tựa và tin tưởng nhau.

Điều gì tạo nên một gia đình?. Câu hỏi này đã được đạo diễn Hirokazu Kore-eda trả lời vô cùng thuyết phục thông qua Shoplifters. Vị đạo diễn được mệnh danh là "thiền sư Ozu thời hiện đại" đã khắc họa một câu chuyện nhỏ của "gia đình" tại Nhật Bản, nhưng lại đặt ra một vấn đề lớn với toàn nhân loại: Định nghĩa gia đình trong thế kỷ XXI là gì?

Mỗi người xem sẽ có những góc nhìn khác nhau bởi tính chất mở của cái kết, nhưng chắc rằng, ai cũng sẽ có riêng cho mình một câu trả lời nhất định về gia đình. Bộ phim sẽ được trình chiếu miễn phí tại Cà phê thứ Bảy (3A Ngô Quyền), vào lúc 19 giờ ngày 31/03/2019./.

Phùng Minh Châu

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×