Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

26/12/2019 | 17:15

Xu hướng phát triển công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề và lĩnh vực, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nằm trong nhóm có thu nhập thấp chiếm số đông... Điều này làm gia tăng sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực.

"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI - Ảnh 1.

Xuống núi đăng hòa mạng internet cho smart phone

Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải…

Cách mạng công nghiệp là hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII đặt ra mục tiêu: "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Nhiệm vụ trọng tâm là "Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới..." 

Với chủ đề "Tác động của Cách mạng công nghiệp đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi"; Bài viết nhằm giúp các cán bộ quản lý nắm bắt được kiến thức cơ bản về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đánh giá những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đồng bào DTTS và miền núi. Bài viết chủ yếu đi vào hiện trạng triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó có đề xuất và giải pháp thực hiện có hiệu quả trong đời sống. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về công tác tham mưu, hoạch định chính sách, hỗ trợ tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS và miền núi, nhằm thu hẹp khoảng cách số, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc và phát triển đời sống kinh tế.

TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI - Ảnh 2.

Tải nhạc số về nghe Tết

1. Đánh giá hiện trạng và tác động của cách mạng công nghệ 4.0

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Tính đến 01/7/2015, tổng dân số của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam khoảng 13.4 triệu người (chiếm 14,6% dân số cả nước). Các dân tộc thiểu số cư trú trên một địa bàn trải rộng (3/4 diện tích đất liền của cả nước) khắp các vùng miền Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ… đồng bào các dân tộc thiểu số có bộ phận sống đan xen nhiều dân tộc cùng cộng cư trên một địa bàn, nhưng chủ yếu sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án cụ thể  nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo, từng bước hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.Tuy nhiên, những ảnh hưởng của quá trình hội nhập sâu rộng về mọi mặt, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều luồng văn hóa mới nhanh chóng xâm nhập vào đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến nguy cơ mai một và mất bản sắc văn hóa truyền thống đang là một thách thức.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng của cách mạng nước nhà, đề ra nhiều chủ trương, chính sách dân tộc trên nguyên tắc cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đồng thời, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Xu hướng phát triển công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề và lĩnh vực, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nằm trong nhóm có thu nhập thấp chiếm số đông, còn chưa được tiếp cận hoàn toàn công nghệ thông tin thì những nhóm người có thu nhập cao, ở thành phố đã có thể thích ứng và thụ hưởng các lợi ích trực tiếp từ quá trình phát triển kỹ thuật số. Điều này làm gia tăng sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một thực tế đầy thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi nhóm người có thu nhập thấp chiếm đa số và còn chưa được tiếp cận, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp từ quá trình tăng trưởng này, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại có thể khiến cho sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng khi máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người và tạo áp lực lớn lên thị trường lao động. Nhu cầu lao động phổ thông, giá rẻ, kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao. Nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thừa lao động và thất nghiệp. Bên cạnh vấn đề bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, sự bất bình đẳng sẽ là vấn đề xã hội lớn nhất, các quốc gia phải đối mặt trong quá trình khai thác các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo ITC Index 2017 đánh giá các tỉnh, thành phố theo nhóm các chỉ số bao gồm: Chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT; chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT; chỉ số ứng dụng CNTT; chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT. Trong khi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã sẵn sàng cho việc ứng dụng CNTT với chỉ số ITC index lần lượt là: Đà Nẵng 93,51%, TP Hồ Chí Minh 69,2% và Hà Nội 66,88% thì nhóm 10 tỉnh, thành phố có các chỉ số thấp nhất bao gồm: Lai Châu 10,24%, Trà Vinh 11,54%, Bắc Cạn 15,64%, Kon Tum 17,69%, Lạng Sơn 18,97%, Tuyên Quang 21,67%, Hòa Bình 22,65%, Cao Bằng 23,39% và Yên Bái 24,16%. Đây là các tỉnh miền núi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống. Số liệu cho thấy, khu vực DTTS và MN cần thiết phải tăng cường nguồn lực CNTT cả về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng để có thể bắt kịp với xu thế của thế giới.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng tại nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi, điều kiện tiếp cận thông tin của bà con vẫn còn nhiều hạn chế.  Để đánh giá được ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tại khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, cần trả lời được các câu hỏi:

+ Đồng bào dân tộc thiểu số đang dùng in-tơ-nét như thế nào?

+ Đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng hệ máy móc hiện đại và hệ thống tự động chưa?

+ Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đáp ứng nhu cầu sử dụng hay chưa?

+ Trình độ, năng lực tiếp cận bà con đã sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử và khai thác ứng dụng công nghệ số chưa?...

Muôn vàn câu hỏi được đặt ra và có phương án trả lời thì từ đó mới có những giải pháp chuẩn bị cho đầu tư công nghệ cao lên miền núi, đào tạo nguồn nhân lực để tiếp nhận công nghệ cao.

Kết quả điều tra mới của Ủy Ban dân tộc cho thấy, đài/radio/cát sét là phương tiện có chi phí thấp và dễ tiếp thu nhất đối với các hộ gia đình dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đài/radio/cát sét đang giảm dần, thay vào đó số lượng ti vi tăng dần. Đến nay, có 26 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ sở hữu ti vi cao trên 80%, trong đó dân tộc Hoa và Sán Dìu có tới hơn 95% số hộ đã có ti vi. Dân tộc Khơ Mú, Mảng, La Hủ, Xinh Mun là những dân tộc có số hộ sử dụng đài và ti vi đều ở mức thấp... Tỷ lệ đồng bào sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh cũng đang ngày càng tăng cao, nhưng vẫn tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao như: Hoa, Sán Dìu, Tày, Sán Chay, Mường. Với các tỉnh khu vực miền núi, loa truyền thanh vẫn là phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng đối với các hộ đồng bào chưa có điều kiện trang bị các phương tiện thu phát sóng truyền thông. Tuy vậy, số lượng loa phát thanh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt, đến nay việc tiếp cận với máy tính và internet đối với đồng bào DTTS cũng còn rất hạn chế. Các dân tộc Si La, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính. Các dân tộc La Hủ, Kháng, Khơ Mú, Rơ Măm… rất hiếm hộ có máy tính kết nối internet.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trường học có dạy môn tin học thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận với máy tính và internet. Theo số liệu báo cáo ICT index, một số tỉnh tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ trường học có dạy tin học thấp là: Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bạc Liêu, Bình Phước…

Để khắc phục những hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước đã có nhiều quy hoạch, đề án, chương trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trọng tâm hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi, để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trong thời buổi hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trước tác động của cách mạng công nghệ số đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiệm vụ đặt ra là:

+ Cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn cho đồng bào về bảo tồn văn hóa, sức khỏe, lao động, sản xuất…

+ Giới thiệu, cung cấp thông tin về các mô hình khởi nghiệp;

+ Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, di sản, di tích văn hóa  đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc;

+ Phổ biến, quảng bá con người, văn hóa, vùng đất đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến mọi người trong và ngoài nước;

+ Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số;

+ Đào tạo tập huấn cho đồng bào khai thác thông tin;

+ Bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc, các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào dưới dạng cơ sở dữ liệu số;

+ Hoàn thiện hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin; xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin;

+ Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, một số tổ chức phản động cũng đang sử dụng các kênh thông tin để tạo ra những dư luận không đúng đắn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số. Thực tế này đòi hỏi, thông tin chính thống của chúng ta phải nhanh hơn, độ phủ rộng hơn để giúp đồng bào có suy nghĩ, nhận thức đúng về những chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ưu ái dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, y tế, sức khỏe, việc làm, khởi nghiệp nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước.

2. Giải pháp thích ứng với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0

Để hóa giải thách thức, tậndụng tốt cơ hội, Việt Nam cần thực hiện một số chương trình dự án đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi, tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc trên phạm vi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ nhất, tạo nguồn vốn và hoàn thiện cơ chế chính sách: Sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn xã hội, tang cường sử dụng kinh phí lồng ghép các chương trình để thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ và khai thác thông tin phục vụ cho đời sống lao động và bảo tồn văn hóa.

Thứ hai, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhanh chóng chuyển từ nơi cung cấp nguồn lao động phổ thông giá rẻ sang lao động tri thức có trình độ cao để có thể bắt kịp làn sóng công nghệ đang thay đổi nhanh như vũ bão vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, đầu tư chuyên sâu: Với hơn 70% dân số Việt Nam sống ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, các lĩnh vực này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư phát triển ở mức chuyên sâu hơn với mục tiêu chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Có chính sách hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, thiết bị cho các vùng, các hộ gia đình khó khan.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa dân tộc, những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, các chủ thể đồng bào dân tộc. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp đầu vào về lao động chất lượng cao cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Thứ năm, đổi mới tư duy và đổi mới phương thức  quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, giảm chi phí xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người được tiếp cận bình đẳng và hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, làm nền tảng để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững./.

Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×