Sửa Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
12/11/2024 | 14:34Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đóng góp ý vào Dự án Luật các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII trong công tác xây dựng pháp luật, để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này là quảng cáo trên không gian mạng và quảng cáo của người nổi tiếng, các khái niệm "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo", "chuyển tải sản phẩm quảng cáo" là như thế nào…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phần giải thích từ ngữ cần quy định cụ thể; cần nghiên cứu để quy định rõ về trách nhiệm quản lý của Nhà nước về quảng cáo, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng.
Đối với việc bổ sung Điều 19a quy định về "yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt" vào sau Điều 19, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần làm rõ thế nào là "hàng hóa, dịch vụ đặc biệt".
Nội dung này có 2 loại ý kiến. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất: tán thành với Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định.
Ngoài ra, Dự án Luật cũng quy định về quảng cáo trên các phương tiện thông tin như trên báo in, trên truyền hình, trên mạng, và các dạng thức quảng cáo khác như biển hiệu… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các biểu nêu ý kiến góp phần hoàn thiện dự án Luật.
Góp ý vào Dự án Luật, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về dự thảo Luật này.
Đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung khoản 8, dự thảo Luật có nêu "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự khác", tuy nhiên đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ "hình thức mặc", tức là cần làm rõ mặc quần áo là sản phẩm hay là mặc quần áo có in hình quảng cáo.
Đối với Điều 15a quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đại biểu Trần Nhật Minh nhận thấy, từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này chủ yếu quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại Điều này. Nếu giữ nguyên tên Điều 15a này thì đề nghị bổ sung quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, còn về nghĩa vụ trong dự thảo Luật đã quy định đầy đủ.
Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo đó đã sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn hiện nay và bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng (trong đó có đối tượng là văn nghệ sĩ, người nổi tiếng…) theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời quy định về nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, Dự án Luật đã sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan báo chí thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng nội dung, bảo đảm sức cạnh tranh với các hình thức quảng cáo trên mạng.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp; cắt, giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm một số trường hợp phải xin giấy phép thay đổi bằng hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời bổ sung các quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia quảng cáo trên mạng, cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm nhằm thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng./.