Sửa Luật Quảng cáo: Lấp "lỗ hổng" về quản lý quảng cáo trên không gian mạng
11/11/2024 | 08:26Đại biểu Nguyễn Văn Quân cho rằng sửa Luật Quảng cáo phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. Luật sửa đổi cần lấp "lỗ hổng" về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
Lấp "lỗ hổng" về quản lý quảng cáo trên không gian mạng
Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Tham gia góp ý cụ thể về hành vi nghiêm cấm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng các trang thông tin điện tử đã có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ không được tồn tại chứ chưa nói đến việc có thể thu hút quảng cáo. Do đó đại biểu đề nghị cần xem xét chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đề nghị cần chuyển đổi tư duy xin - cho sang tư duy hậu kiểm, công nhận và chứng nhận, đại biểu Nguyễn Văn Quân cho rằng Luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
"Luật sửa đổi cần lấp "lỗ hổng" về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm.
Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trường hợp nêu trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.
Phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình quảng cáo
Cùng tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, khoản 2 Điều 28 Luật Quảng cáo hiện hành quy định khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời không được dùng âm thanh.
Dự thảo Luật đã bổ sung thêm yêu cầu khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời là phải đảm bảo về độ sáng màn hình phải hình tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình chiếu sáng và chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp màn hình có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình chuyên quảng cáo.
Dự thảo luật hiện tại đang giữ nguyên như quy định của Luật Quảng cáo hiện hành đó là "3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường." Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung khoản 3 theo hướng chủ sở hữu màn hình quảng cáo tại khoản 3 cũng cần phải có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình quảng cáo.
Theo đó, viết lại khoản 3 Điều 28 như sau: "3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường và phải áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình quảng cáo".
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định rằng "Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp…"
Tuy nhiên, để hài hoà lợi ích giữa người dùng và doanh nghiệp quảng cáo, đại biểu đề nghị có thể để thị trường tự quyết định mức thời lượng quảng cáo này hoặc điều chỉnh lại quy định như sau: "Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; trong thời gian không quá 10 giây (hoặc 15 giây) kể từ khi bắt đầu quảng cáo; và không quảng cáo quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp".