Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới

05/06/2020 | 11:25

Sơn La nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh; Hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Bắc Giang được phát triển rộng khắp ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tại Bắc Kạn từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Sơn La: Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL về phê duyệt Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020" và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, trong những năm qua, Sở VHTTDL đã tập trung tham mưu thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước cũng như các sự kiện chính trị - văn hóa tại địa phương.

Sở VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đồng thời tích cực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc Liên hoan, Hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng, góp phần làm phong phú hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở, tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ổn định cuộc sống cho Nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, trao đổi, học tập, thắt chặt khối đại đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Sơn La: Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: baosonla.org.vn

Hàng năm, Sở VHTTDL đã chỉ đạo Nhà hát Ca múa nhạc duy trì tốt kế hoạch công tác về phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành, của tỉnh và đất nước. Bên cạnh đó, đã tổ chức thực hiện tốt các chuyến công tác phục vụ Nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, đạt trung bình 105 buổi/năm, trong đó biểu diễn tại vùng sâu, vùng xa đạt 70 buổi/năm.

Phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò của mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và đội ngũ văn nghệ sĩ, họa sĩ. Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ, họa sỹ sáng tạo và phổ biến các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về tư tưởng - nghệ thuật, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân và kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "xây dựng cơ quan văn hóa" đã được các địa phương, cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.585.161 hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 10.728 bản, tổ văn hóa và có 17.794 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Bắc Giang: Hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được phát triển rộng khắp ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia

Sở VHTTDL đã có Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Theo đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được sự thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch như: Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà và Bằng công nhận Lễ hội chùa Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch năm 2019;….Đây là những sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh đến du khách trong nước và quốc tế. Các sự kiện được tổ chức thành công góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang đạt được nhiều kết quả tốt.

Hoạt động điện ảnh, mỹ thuật – nhiếp ảnh triển lãm cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được phát triển rộng khắp ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên tham gia, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh đã bước đầu đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thông; tăng cường hợp tác, tiếp cận công nghệ tiên tiến để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn tỉnh. Một số loại hình đặc thù được ưu tiên đầu tư phát triển tại địa phương như làng nghề: Bánh đa nem Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa Kế….Nhiều mặt hàng thủ công, mỹ nghệ của địa phương được thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và EU ưa chuộng. Việc đầu tư các dịch vụ trò chơi giải trí tại các khu vui chơi công cộng, trong chuỗi hoạt động của các siêu thị tại trung tâm huyện, thành phố được quản lý, phát triển hiệu quả.

Bắc Kạn: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực

Trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nhất định, từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia tạo hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, nhất là chuyển biến bộ mặt nông thôn qua việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới; vai trò và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đề cao; các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ... đã được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện góp phần không nhỏ trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển. Việc đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao tại địa phương bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo dựng được tiền đề cho xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao tại địa phương đã được quan tâm, các xã, phường, thị trấn đều có cán bộ làm công tác chuyên trách về văn hóa - thông tin, hằng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; hệ thống trang thiết bị được trang cấp phù hợp với tình hình hoạt động, được sử dụng đúng mục đích, công năng sử dụng phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao tại địa phương, cơ sở.

Để tiếp tục thực hiện tốt Phong trào, trong Báo cáo Kết quả thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và đầu tư nguồn lực của chính quyền các cấp; sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú; gắn nội dung thực hiện phong trào với những vấn đề cần giải quyết hiện nay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phòng chống tệ nạn xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế…

Đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời nắm tình hình và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy và phát triển phong trào; nhân rộng mô hình điển hình và kịp thời tuyên dương khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc triển khai và thực hiện phong trào. Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao theo đúng quy định; đầu tư đảm bảo trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở;…

Hằng Đinh (T/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×