Sơn La: Đẩy mạnh việc thực hiện Luật Di sản văn hóa
01/10/2021 | 09:36Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm nhằm hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu và giáo dục truyền thống…
Thực hiện Luật Di sản văn hóa, ít nhất 5 năm/lần, tỉnh Sơn La tổ chức tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục. Từ năm 2010 đến năm 2020, đã tiến hành tổng kiểm kê di tích 03 lần vào các năm: 2010, 2015, 2020 (hàng năm phê duyệt bổ sung danh mục cho các di tích phát hiện mới). Năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 852/QĐ - UBND ngày 07/5/2021 về việc phê duyệt Danh mục di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020. Trong đó trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La có 89 di tích, bao gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt; 16 di tích quốc gia; 46 di tích cấp tỉnh; 26 di tích chưa được xếp hạng. Về địa bàn phân bố gồm: Thành phố Sơn La 08 di tích; huyện Thuận Châu 07 di tích; huyện Mộc Châu 21 di tích; huyện Vân Hồ 11 di tích; huyện Phù Yên 04 di tích; huyện Mai Sơn 08 di tích; huyện Sông Mã 02 di tích; huyện Sốp Cộp 01 di tích; huyện Mường La 06 di tích; huyện Bắc Yên 05 di tích; huyện Quỳnh Nhai 05 di tích; huyện Yên Châu 11 di tích. Các di tích sau khi được xếp hạng đều bàn giao, phân cấp về cho các địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
Việc phân cấp quản lý các di tích đã góp phần xác định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm quản lý di tích, danh thắng cho chính quyền địa phương các cấp có di tích, giải quyết một cách cơ bản giữa nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa vật thể với sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của các địa phương có di tích. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc định hướng, xây dựng kế hoạch và những giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và danh thắng; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa, phát huy nguồn lực ở các địa phương; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm lấn di tích.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về di sản văn hóa được sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh thực hiện: Phổ biến Luật Di sản văn hóa, Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị của ngành và các đơn vị triển khai thực hiện hàng kỳ, thường xuyên và đột xuất; chỉ đạo các Đội thông tin lưu động, Đội chiếu bóng lưu động tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân nội dung chỉ đạo của các cấp đối với việc thi hành Luật Di sản văn hóa; tuyên truyền qua các đợt công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tại cơ sở như: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, di tích...; tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử của ngành.
Thực hiện Luật Di sản văn hóa, bên cạnh công tác kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã tập trung nhiều giải pháp bảo vệ di vật, cổ vật, các tư liệu, hiện vật văn hóa, lịch sử dân tộc. Tính đến hết năm 2020, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 23.366 tư liệu, hiện vật. Trong đó, có 10.770 hiện vật gốc về văn hóa, lịch sử và 12.596 tư liệu, phim, ảnh phục vụ cho công tác trưng bày, giới thiệu tại các phòng trưng bày cố định cũng như trưng bày chuyên đề và lưu động. Từng bước hình thành, bổ sung các bộ sưu tập hiện vật như: khảo cổ học, trống đồng, cổ vật, gốm cổ, sách chữ Thái cổ, sách chữ Dao cổ, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, các dân tộc: Thái, H'mông, Dao, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hồ sơ tù chính trị.... Các tư liệu, hiện vật cơ bản được quản lý tốt, theo đúng quy trình quản lý tư liệu hiện vật của bảo tàng, trước khi nhập kho cơ sở đều thông qua Hội đồng khoa học của đơn vị giám định, đăng ký, vào sổ khoa học bảo tàng gồm: Sổ nhập hiện vật, sổ kiểm kê bước đầu, sổ phân loại hiện vật. Tổ chức sắp xếp, theo dõi, quản lý tốt tình hình xuất, nhập tư liệu, hiện vật.