Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại
17/09/2020 | 14:20Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành có liên quan và chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành 814 cấp huyện tổ chức kiểm tra 2.592 lượt đối với các hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật.
Tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư trong bối cảnh nền kinh tế nước ta căn bản đã thoát khỏi sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới, bước vào năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chương trình hành động toàn khóa của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011.
Năm 2010 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là việc tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội nêu trên là động lực to lớn để tỉnh Sóc Trăng cùng với cả nước triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư.
Thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 14/4/2020 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo số 595/ BC-SVHTTDL về việc triển khai thực hiện Chỉ thị trên.
Theo đó, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW (Chỉ thị), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nội dung Chỉ thị đến các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở và Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tổ chức thực hiện và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân qua đó đã thống nhất nhận thức và hành động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị.
Nhìn chung, qua quán triệt nội dung Chỉ thị nhanh chống đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với việc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Công tác phối hợp với các ngành có liên quan trong kiểm soát, xử lý các sản phẩm văn hóa độc hại được tăng cường và thực hiện có hiệu quả.
Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Đội Kiểm tra liên ngành 814 tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp vi phạm về tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, phổ biến các sản phẩm văn hóa độc hại. Kết quả từ năm 2010 đến nay đã kiểm tra và phát hiện 36 trường hợp vi phạm về nhân bản lậu băng đĩa VCD, DVD, bán băng đĩa VCD, DVD có nội dung đồi trụy, trong đó: xử phạt 12 trường hợp với tổng số tiền 30,3 triệu đồng; chuyển 01 trường hợp vi phạm cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Tú đề nghị UBND huyện Mỹ Tú xử phạt với số tiền là 5 triệu đồng; 09 trường hợp bỏ trốn nên không xử phạt vi phạm hành chính; nhắc nhở và buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm đối với 14 trường hợp; tạm giữ 02 xe gắn máy chở đĩa, tịch thu và tiêu hủy 5.675 đĩa VCD, DVD ca nhạc, sân khấu nhân bản lậu và 10 đĩa DVD có nội dung đồi trụy.
Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành có liên quan và chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành 814 cấp huyện tổ chức kiểm tra 2.592 lượt đối với các hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa: game bắn cá, băng đĩa, karaoke,… qua kiểm tra phát hiện 683 trường hợp vi phạm, xử phạt 470 trường hợp với tổng số tiền trên 900 triệu đồng, thu giữ và tiêu hủy 29.000 băng đĩa ca nhạc, sân khấu không tem nhãn kiểm duyệt, có nội dung cấm, 230 file hình ảnh và 03 CPU có chứa hình ảnh đồi trụy và văn hóa phẩm độc hại.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế và tồn tại. Từng lúc việc kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành, địa phương đôi lúc chưa được thường xuyên.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là các cơ sở kinh doanh ở lĩnh vực nhạy cảm đôi lúc chưa thường xuyên, vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật; công tác kiểm soát sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại trên mạng internet, các trang mạng xã hội chưa thật sự triệt để.
Hiện nay, tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thường xuất hiện một số đối tượng (địa chỉ không cụ thể) đi bán dạo đĩa VCD, DVD ca múa nhạc, sân khấu, phim không dán tem nhãn kiểm duyệt, sách bói toán,… khi thấy xuất hiện Đoàn kiểm tra thì các đối tượng tìm mọi cách bỏ trốn. Các đối tượng này đa số là những người già, nghèo chưa am hiểu nhiều về các quy định của pháp luật nên mới vi phạm, qua đó Đoàn kiểm tra không xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhỡ và buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại, Sở VHTTDL Sóc Trăng đưa ra một số giải pháp . Đó là việc nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa nhất là cán bộ trực tiếp thẩm định sản phẩm văn hóa, cán bộ làm công tác thanh tra văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa; thực hiện tốt công tác thẩm định, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, kinh doanh sản xuất sản phẩm văn hóa.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là các ngành nghề nhạy cảm như: kinh doanh karaoke, vũ trường,… Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phát hiện, đấu tranh với các trường hợp vi phạm về tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, phổ biến các sản phẩm văn hóa độc hại.
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị đối với các đơn vị trong ngành. Chỉ đạo Thanh tra Sở, Đội Kiểm tra liên ngành 814 tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm về tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, phổ biến các sản phẩm văn hóa độc hại.
Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để nhân dân được tham gia sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ, cũng như thừa hưởng các giá trị văn hóa dân tộc, các thành tựu tinh hoa văn hóa nhân loại.