Sóc Trăng: Sẽ có “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch”
14/02/2025 | 16:31Ngày 13/02, Sở VHTTDL Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức cuộc họp thông qua đề cương Đề án “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer, xã Phú Tân, huyện Châu Thành gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2025-2030”.
![Sóc Trăng: Sẽ có “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch” - Ảnh 1. Sóc Trăng: Sẽ có “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch” - Ảnh 1.](https://bvhttdl.mediacdn.vn/291773308735864832/2025/2/14/1402soctrang-1739519889602-17395198899211706199121.png)
Mô hình “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer, xã Phú Tân, huyện Châu Thành gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2025-2030”
Đề án nằm trong Kế hoạch 203 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
Đầu năm 2024, Sở VHTTDL phối hợp UBND huyện Châu Thành cùng với Viện nghiên cứu chiến lược (Trường ĐH Công thương TP.Hồ Chí Minh) tiến hành khảo sát thực tế tuyến đường xây dựng Đề án; tổ chức các cuộc họp góp ý tưởng xây dựng dự thảo đề cương Đề án; tổ chức lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của các đơn vị chuyên môn có liên quan.
Đến nay, dự thảo đề cương Đề án “Con đường di sản văn hóa Khmer, xã Phú Tân, huyện Châu Thành gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2025-2030” đã cơ bản hoàn thành. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 28 tỉ đồng, giai đoạn 1 (2025-2026) là 7,8 tỉ đồng và giai đoạn 2 (2026-2027) là 20 tỉ đồng.
Đề án sẽ làm rõ thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống hiện hữu, bao gồm nghệ thuật múa dân gian, trang phục truyền thống, nghề làm cốm dẹp, nghề đan lát, và các làng nghề khác.
Mục đích là kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, qua đó góp phần duy trì và phát triển văn hóa dân tộc Khmer, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch bền vững trong khu vực.
Đề án sẽ tập trung đánh giá thực trạng giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại xã Phú Tân, bao gồm các yếu tố như nghệ thuật múa dân gian, trang phục truyền thống, nghề làm cốm dẹp, nghề đan lát, và các nghề truyền thống khác.
Trên cơ sở đó, Đề án sẽ định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng Khmer trong khu vực, kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng thiết chế quản lý cho “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer, xã Phú Tân”. Đồng thời, Đề án cũng sẽ đề xuất các giải pháp phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần bền vững cho cộng đồng dân tộc Khmer trong không gian thực hiện Đề án.
Tại cuộc họp, đa số đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với dự thảo đề cương Đề án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh mối quan hệ tương trợ và hữu cơ giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer và phát triển du lịch.
Việc xây dựng Đề án “Con đường di sản văn hóa dân tộc Khmer, xã Phú Tân, huyện Châu Thành gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2025-2030” được đánh giá là cần thiết, bởi đây là bước đi quan trọng vừa thực hiện nhiệm vụ bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Đề án không chỉ giúp người dân thay đổi tư duy, tích cực làm giàu mà còn tạo ra sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, xã hội, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL Sóc Trăng đề nghị các đơn vị phối hợp chỉnh sửa đề cương Đề án theo ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp, để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 02/2025.
Ông nhấn mạnh một số điểm cần chú ý: Cần quán triệt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững, du lịch bền vững, với trọng tâm, trọng điểm, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai Đề án, các bên liên quan cần cam kết và đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy với khai thác các giá trị văn hóa cho du lịch. Cũng cần chú ý đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn và trật tự xã hội.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc phải góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng địa phương. Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng, lợi ích nhà nước và của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Theo Báo Sóc Trăng