Sóc Trăng: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Cù Lao Dung
24/02/2022 | 14:35Trong bối cảnh tương lai phải sống chung lâu dài với dịch Covid-19, nhu cầu an toàn và khỏe mạnh của du khách càng được chú ý hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại huyện Cù Lao Dung nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung cũng đang được quan tâm khai thác tiềm năng sẵn có của từng địa phương.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe được biết đến như là sự kết hợp du lịch nghỉ ngơi, thư giãn với các liệu pháp thiên nhiên, thảo dược và tiến trình trị liệu, nhằm nâng cao, hồi phục sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và cả tâm hồn cho du khách.
Tại cuộc hội thảo Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, sinh thái đất ngập nước tại các huyện: Cù Lao Dung, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”, chuyên gia xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Phan Yến Ly - Giám đốc Dự án Du lịch sức khỏe chia sẻ: “Đối với thị trường Việt Nam nói chung và đối với tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe vẫn còn hạn chế cả lựa chọn và chất lượng so với tiềm năng sẵn có. Do đó, đây là thời điểm rất phù hợp phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trị liệu gắn kết với các mô hình du lịch khác vốn là lợi thế của Sóc Trăng nói chung và của Cù Lao Dung nói riêng. Cũng nói thêm, du lịch lại là ngành nhạy cảm với các tác động của thiên tai, dịch bệnh nên du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe sẽ là một điểm sáng trong các giải pháp hữu hiệu trên con đường phát triển du lịch xanh của chúng ta”.
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước, có 72km bờ biển, với bãi bồi rừng bần trải rộng tạo môi trường sống của nhiều loài thủy sinh, rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng theo phong cách riêng biệt. Cù Lao Dung là “hòn đảo” cuối cùng trên sông Hậu hướng ra biển Đông, nơi sông đổ ra biển với 3 cửa gồm: Định An, Trần Đề và Ba Thắc. Dù có cửa sông bị phù sa bồi lấp nhưng vẫn có vị thế đặc biệt để tạo những dấu ấn mà nơi khác không thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng vừa sinh thái miệt vườn, vừa sinh thái biển. Phía Đông Nam huyện Cù Lao Dung là rừng bần rộng khoảng 1.700ha, có hệ sinh thái đa dạng, với điểm nhấn là Đảo Khỉ còn hoang sơ, có thể tạo sức hút cho các hoạt động khám phá, thể thao như: chèo thuyền, trekking…
Theo chuyên gia Phan Yến Ly, do thiếu sự khác biệt so với mô hình của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về loại cây trái và mô hình dịch vụ; thiết kế homestay, farmstay chưa tạo ấn tượng và ít giá trị trải nghiệm cho du khách; do đó, để tạo thế khác biệt với các vùng khác cũng như thương hiệu thu hút đầu tư thì du lịch Cù Lao Dung cần tạo một sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng của thời đại và lợi thế của vùng đất; sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn và đất ngập nước với điểm nhấn là hướng tới sức khỏe và cung cấp các trải nghiệm mang tên “vaccine tinh thần”. Ngay cả giao thông tiếp cận là hạn chế lớn nhất với Cù Lao Dung thì nay lại có cơ hội cho các hành trình xanh khép kín do yêu cầu mới của du lịch trong đại dịch Covid-19.
Việc xây dựng và phát triển các mô hình du lịch trên các dãy cù lao đã từng bước giúp nâng cao nhận thức của người dân Sóc Trăng về tiềm năng và vai trò, vị trí của du lịch, đem lại thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở địa phương. Đồng chí Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung kỳ vọng: “Huyện đã có kế hoạch, chiến lược rất cụ thể khi quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để phát triển du lịch của Cù Lao Dung. Thời gian qua, các mô hình du lịch được sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban ngành tỉnh, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Huyện cũng mong muốn phát triển du lịch homestay, farmstay và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với kinh tế vườn”.
Chuyên gia Phan Yến Ly cũng nhấn mạnh: “Xây dựng được sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe với du khách trong và ngoài nước không phải dễ dàng mà cần có nhiều thời gian và giải pháp quyết liệt cũng như cần các đơn vị lữ hành, khu du lịch, hay cả địa phương phải tiên phong với những sáng tạo đột phá, quy hoạch bền vững và khẳng định chuyên môn cao về việc xây dựng sản phẩm với dịch vụ chất lượng và hiệu quả kinh doanh cao. Để có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khả thi phục vụ du khách, việc định hướng cũng như các hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe dựa trên tiềm năng sẵn có về du lịch, thiên nhiên, con người của huyện Cù Lao Dung. Đây là tiền đề để tỉnh Sóc Trăng thúc đẩy phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ đa dạng, độc đáo của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần khẳng định thương hiệu của du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có giá trị tăng trưởng lớn cho ngành du lịch nước nhà”./.