Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sở Du lịch TPHCM đề xuất 7 giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch

13/04/2020 | 17:29

Sở Du lịch TPHCM đề xuất 7 giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch; khách tham quan và doanh thu du lịch Đồng Tháp giảm mạnh vì Covid-19; du lịch Kiên Giang chủ động phòng chống dịch là một số tin tức du lịch nổi bật các tỉnh Nam Bộ hôm nay

Sở Du lịch TPHCM đề xuất 7 giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch lớn nhất Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành du lịch của Thành phố đã trải qua sự tăng trưởng liên tục và đa dạng hóa sâu rộng để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất.

Từ tháng 01 đến tháng 02 năm 2020, lượng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như những chính sách quyết liệt trong ứng phó với dịch tại Việt Nam. Trong tháng 01 và tháng 02/2020, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 – 60% so với cùng kỳ năm trước, đến tháng 3 năm 2020, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Đặc biệt có một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm trước (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành còn tổ chức khách du lịch). Hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch COVID-19 sẽ đi làm lại.

Sở Du lịch TPHCM đề xuất 7 giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Sài Gòn Đầu Tư

Theo báo cáo của 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp thì tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; Kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%; số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỷ lệ cao. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố các điểm tham quan du lịch đã tạm ngưng phục vụ khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước tình hình trên, Sở Du lịch TPHCM đưa ra 7 đề xuất giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch thành phố trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như sau:

1.Tiếp tục thực hiện trong ngành du lịch thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần cùng với thành phố và cả nước thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch số 130/KH-SDL ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Sở Du lịch về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và hệ thống các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn để hỗ trợ trong công tác xác minh các ca tiếp xúc gần với ca đã có kết quả dương tính; các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

2. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc:

Tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp (trong đó tập trung các nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…; đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch).

Nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư năng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch.

3. Triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại như du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực.

4. Hoàn thành, công bố Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến 2030 và chuẩn bị lộ trình các bước triển khai trong đó có những kế hoạch trọng tâm trong năm 2021 nhằm phục hồi ngành du lịch của Thành phố sau dịch. Thành lập Hội đồng phát triển du lịch.

5. Chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu, rộng, với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến. Nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 và tiềm năng cho thị trường du lịch Thành phố để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến.

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp về xây dựng Đề án Du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá online để thực hiện công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch trên địa bàn thành phố bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch…

6. Triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sống Cửu Long và các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Theo đó, phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng; đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp địa phương.

7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính: Tiếp tục nâng cấp cổng thông tin điện tử Sở Du lịch, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích; triển khai phần mềm trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin về du lịch, tiếp nhận những ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Du lịch cũng như các ý kiến góp ý, phản ánh liên quan đến ngành du lịch; triển khai phần mềm chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính.

Khách tham quan và doanh thu du lịch Đồng Tháp giảm mạnh vì Covid-19

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách và doanh thu du lịch (DL) quý I/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp DL, lữ hành, cơ sở lưu trú, khu di tích, điểm tham quan trên địa bàn chú trọng công tác phát triển sản phẩm DL và nâng chất lượng dịch vụ, góp phần làm đa dạng sản phẩm DL phục vụ du khách. Công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến DL được tăng cường. Tỉnh đưa vào vận hành Cổng thông tin DL thông minh, hướng đến xây dựng ngành DL chất lượng cao, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Đất Sen hồng... Dù công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động DL từ đầu năm đến nay được thực hiện khẩn trương, tích cực, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lượng khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý I/2020, toàn tỉnh uớc đón 800.000 lượt khách (trong đó có 10.000 khách quốc tế), giảm 40% so với cùng kỳ 2019; tổng thu DL là 120 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ 2019.

Du lịch Kiên Giang chủ động phòng chống dịch

Chung tay cùng chính quyền nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tạm ngưng hoạt động kinh doanh. Các điểm, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ kèm theo ngành du lịch đóng cửa. Thời gian này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch lên kế hoạch kích cầu du lịch để áp dụng ngay khi hết dịch.

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, đến nay, tất cả các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, khu vui chơi, giải trí, các tour, tuyến du lịch, các dịch vụ theo kèm phục vụ ngành du lịch như nhà hàng, quán bar, karaoke, massage… trên địa bàn tỉnh tạm dừng phục vụ. Đây là nỗ lực của chính quyền trong việc góp phần cùng Chính phủ kiềm chế và đẩy lùi dịch COVID-19.

Các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch tại các địa phương có thế mạnh du lịch như huyện Phú Quốc, TP. Hà Tiên và TP. Rạch Giá… đều chấp hành tốt chủ trương, chỉ thị của ngành chức năng. Trước cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều treo biển tạm dừng kinh doanh, chung tay chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn cũng tạm dừng hoạt động, cho nhân viên tạm nghỉ và hỗ trợ lương cơ bản. Không chỉ tạm dừng kinh doanh chung tay cùng chính quyền chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch có nhiều hành động thiết thực chia sẻ khó khăn với ngành chức năng, địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Tập đoàn CEO cùng các doanh nghiệp trong Hội Các nhà đầu tư Phú Quốc tài trợ 1,5 tỷ đồng để huyện Phú Quốc đưa vào vận hành máy xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, CEO tặng 1.000 bộ đồ bảo hộ gồm găng tay, 2.000 khẩu trang y tế cho huyện Phú Quốc.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, song nhiều doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực chuẩn bị các kế hoạch ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới, sẵn sàng cho công tác kích cầu khi dịch bệnh tạm lắng.

Thủy Bích (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×