Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh tìm cách đổi mới​

12/05/2022 | 16:06

Đầu tháng 5/2022, nhiều sân khấu kịch xã hội hóa tên tuổi tại TP Hồ Chí Minh đã lần lượt thay đổi cách thức hoạt động, đặt ra những câu hỏi trong việc duy trì loại hình sân khấu kịch nói tại thành phố.

Sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh tìm cách đổi mới - Ảnh 1.

Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. Ảnh (tư liệu): Gia Thuận/TTXVN

Nói về tình hình khó khăn của Sân khấu Kịch khấu Phú Nhuận - điểm diễn đã 22 năm tuổi, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân cho biết, hiện, hợp đồng với đơn vị chủ quản địa điểm thay đổi. Ngoài ra, do tác động của dịch COVID-19, sân khấu này thời gian qua chỉ hoạt động cầm chừng, vắng khán giả. Theo đó, nghệ sỹ Trịnh Kim Chi sẽ thay Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân thực hiện các vở diễn cuối tuần. Những kịch mục từng ghi dấu ấn với khán giả như “Ma nữ không chồng”, “Người vợ ma”... sẽ ngưng diễn, thay bằng các vở mới được đầu tư hơn. Đồng thời, tác phẩm sẽ được dựng theo từng dịp cụ thể chứ không định kỳ như trước đây, ưu tiên công diễn ngày lễ, dịp kỷ niệm.

Bên cạnh đó, nghệ sỹ giỏi nghề phải ký hợp đồng chặt chẽ với sân khấu trong khoảng thời gian nhất định, nhằm đảm bảo chất lượng vở, tránh tình trạng sân khấu bị động về kịch mục, đội ngũ diễn viên như hiện nay.

Cùng với đó, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân sẽ đưa các diễn viên tiềm năng, từng tham gia trong vở cũ, đi lưu diễn tỉnh, phục vụ nhiều trường học. “Tôi sẽ chuyển hướng đầu tư dàn dựng các vở kịch lớn với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ tên tuổi. Khi vở dàn dựng hoàn thiện, tôi sẽ tổ chức lưu diễn các tỉnh, thành phố. Việc đem các vở kịch lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố cũng là sự ấp ủ và mong mỏi của tôi từ lâu”, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân chia sẻ.

Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân thành lập Sân khấu Phú Nhuận từ năm 2000 đến nay. Điểm diễn từng được đánh giá cao nhờ kịch giải trí có doanh thu tốt, song song với các vở đạt chất lượng nghệ thuật như “Nỏ thần”, “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “Kỹ nghệ lấy Tây”... dựa theo các tác phẩm văn học.

Tương tự, Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng chuyển hướng hoạt động, chỉ diễn một hay hai vở mới theo mùa để đỡ bù lỗ. Trước đó, vào năm 2021, sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ hoạt động vài tháng rồi “đóng băng” đến đầu năm nay.

Theo đạo diễn Ái Như - người đồng sáng lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh cho biết, hiếm tác phẩm nào ở Hoàng Thái Thanh có lãi, đa số chỉ hòa vốn. Ban Giám đốc sân khấu thường bù lỗ để sàn diễn tồn tại. Do tiền bán vé dùng để đầu tư vở mới, nhiều lần chị cùng Nghệ sỹ Ưu tú Thành Hội phải trích tiền túi trả lương cho diễn viên. Cùng với đó, chị từng lo sân khấu rơi vào cảnh phá sản vì không gồng gánh nổi chi phí.

Về cách thức hoạt động, Sân khấu Hoàng Thái Thanh lên kế hoạch “diễn theo mùa” được cân nhắc chọn lựa và bắt đầu thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2022, với lịch diễn gói gọn trong 10 vở kịch tiêu biểu như “Hãy khóc đi em”, “29 anh về”, “Bông hồng cài áo”, “Nửa đời hương phấn”, “Con ma nhà họ Hứa”, “Bàn tay của trời”, “Sông dài”, “Bạch Hải Đường”, “Tình yêu trời đánh”, “Nửa đời ngơ ngác”.

Theo đó, mỗi năm, đơn vị này sẽ chỉ tập trung sáng đèn vào hai mùa diễn, đó là Tết và giữa năm. Những tháng không diễn sẽ là thời điểm để tập trung tìm kiếm kịch bản, lên sàn tập vở mới, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.

Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ nhanh chóng tạo dựng thêm một sân khấu dành riêng cho thiếu nhi, biểu diễn vào các sáng cuối tuần. Kế hoạch này đang từng bước tạo sự bứt phá với những suất diễn thu hút đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, sân khấu thử nghiệm cũng được Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên chú trọng mở rộng sự đa phong cách trong dàn dựng và biểu diễn, thông qua việc thu hút những người làm nghề trẻ về đầu quân.

Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ đang ở giai đoạn có nhiều mối lo toan, khi đạo diễn Ngọc Hùng quyết định chia tay sân khấu. Chị An Thi, Giám đốc Công ty Sài Gòn Phẳng (Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ) cho biết, hợp đồng thuê mướn mặt bằng điểm diễn với Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh còn 2 năm nhưng vì dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nên sân khấu thực sự khó khăn. “Tôi hy vọng nhà trường sẽ cho sân khấu kéo dài hợp đồng thêm 2 năm. Trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi sẽ buộc phải tìm kiếm một nơi khác để có thể duy trì hoạt động, chị An Thi nói.

Giới chuyên môn nhận định, sàn diễn kịch nói tại TP Hồ Chí Minh, trước sự thay đổi quá lớn của nhu cầu đến rạp mua vé xem kịch, các sân khấu phải vận dụng mọi cách để tự cứu mình. Đồng thời, các đoàn kịch từ công lập đến xã hội hóa đều phải vượt qua khó khăn, đối mặt nhiều áp lực để tự tìm hướng tháo gỡ.

Đồng quan điểm, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Quản lý Sân khấu Kịch Idecaf, chuyện bù lỗ hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa đều trải qua. Trước tình hình như vậy, sân khấu kịch xã hội hóa bắt buộc phải đổi mới để tồn tại. Các kế hoạch có thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời nhưng để nuôi được lực lượng gắn bó với từng thương hiệu là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, dù các sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh đã qua giai đoạn tỏa sáng nhưng nhiều nghệ sỹ vẫn luôn mong muốn được làm nghề, sống với đam mê và đặt nhiều hy vọng vào sự thay đổi, phát triển của sân khấu trong tương lai.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×