Quy hoạch - tiền đề cho phát triển du lịch Thanh Hóa
29/07/2021 | 08:04Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác quy hoạch phải đi trước một bước nhằm tạo cơ sở cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất; thu hút các dự án kinh doanh du lịch; xây dựng các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế..., góp phần khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh ngành du lịch.
Nắm rõ vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, ngày 16-7-2009, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2218/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, trong đó xác định việc tổ chức các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Điển hình như Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Sầm Sơn là khu du lịch chuyên đề biển - đô thị du lịch quốc gia; sản phẩm du lịch chính là nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan du lịch, hội nghị hội thảo, thể thao dưới nước... Khu du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái Lam Kinh là khu du lịch chuyên đề lịch sử - văn hóa; sản phẩm du lịch chính là nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Khu du lịch sinh thái Bến En là khu du lịch chuyên đề sinh thái rừng - hồ; sản phẩm du lịch chính là tham quan nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao, vui chơi giải trí. Khu du lịch sinh thái Pù Luông là khu du lịch chuyên đề sinh thái, văn hóa miền núi; sản phẩm du lịch chính là tham quan, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc miền núi, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi mạo hiểm... Từ sự định hướng này, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Sầm Sơn, Lam Kinh, Pù Luông đã và đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm, quảng bá... để thu hút khách du lịch. Trong khi đó, Bến En đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực và hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa.
Trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai kịp thời, góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và cơ sở để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch. Công tác quản lý quy hoạch được chỉ đạo thống nhất đến các cấp, các ngành; trình tự, thủ tục lập quy hoạch tuân thủ theo quy định của pháp luật; chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch được nâng cao, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân. Đặc biệt, các dự án quy hoạch sau khi phê duyệt được tổ chức công bố và công khai trên Cổng thông tin quy hoạch của tỉnh, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng đến với nhà đầu tư, du khách và Nhân dân. Cùng với đó, việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo các đồ án quy hoạch được triển khai thường xuyên; công tác kiểm tra, rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, tổng hợp ý kiến của các chủ đầu tư để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền được quan tâm thực hiện...
Trong giai đoạn này, tỉnh ta đã phê duyệt 10 quy hoạch quan trọng, có khả năng tác động tích cực đến việc triển khai các dự án, đề án phát triển du lịch trên địa bàn. Điển hình như Quy hoạch phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Trung tâm hành chính - chính trị và đô thị mới (khu số 8), TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Trung tâm thương mại và đô thị mới (khu số 7), TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư đô thị hóa và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị (khu số 10) TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái sông Đơ (khu số 6) TP Sầm Sơn; điều chỉnh Quy hoạch chung TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu số 3), phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch Thác Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đô thị Quảng Lợi, huyện Quảng Xương; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch, đô thị ven biển, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035 (đoạn từ Nam Sầm Sơn đến đô thị Quảng Lợi).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch cũng tồn tại những hạn chế như, một số đồ án quy hoạch do một số địa phương thực hiện chậm tiến độ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch (Quy hoạch Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí Bến En; Quy hoạch các Khu đô thị du lịch hai bên đường ven bờ biển tại huyện Quảng Xương; Quy hoạch phân Khu du lịch Thác Muốn, xã Điền Quang, huyện Bá Thước...). Cùng với đó, việc huy động các nguồn lực triển khai các dự án quy hoạch còn hạn chế. Điển hình như Quy hoạch phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, hiện mới triển khai đầu tư được một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu từ nguồn vốn Chương trình phát triển du lịch; trong khi, vốn đối ứng của các địa phương và thu hút xã hội hóa còn rất hạn chế.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phù hợp mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Từ sự định hướng chung này, việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới cần được thực hiện bài bản, khoa học và hiệu quả hơn. Đặc biệt, gắn quy hoạch du lịch phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, miền để tạo sự gắn kết và gia tăng nguồn lực thúc đẩy du lịch phát triển.