Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Trị: Chuẩn bị các điều kiện để phục hồi hoạt động du lịch

10/02/2022 | 15:55

Thực hiện Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 7/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Kế hoạch số 186/KH-UBND triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Quảng Trị: Chuẩn bị các điều kiện để phục hồi hoạt động du lịch - Ảnh 1.

Người dân vui xuân tại Công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà - Ảnh: Đ.T

Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, lịch sử đã để lại trên mảnh đất này một hệ thống di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Do vậy, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thế núi hình sông vô cùng đa dạng, ẩm thực phong phú, bề dày văn hóa đặc sắc, con người thân thiện, nghĩa tình, du lịch Quảng Trị còn gắn bó mật thiết với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng đồ sộ và những lễ hội cách mạng hoành tráng, linh thiêng, riêng có của vùng đất anh hùng.

Năm 2022, tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 07/4 (1907 - 2022); 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022); 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 01/5 (1972 - 2022); 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022); 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 (1947- 2022)…

Đón đầu các sự kiện này, tỉnh cũng đã xác định lộ trình, đưa ra các giải pháp từng bước thúc đẩy sự phục hồi, phát triển hoạt động du lịch trong bối cảnh Quảng Trị và các địa phương trên cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh và tiến tới thích ứng an toàn với COVID-19 theo nguyên tắc: “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước khôi phục các hoạt động kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động nhằm phục hồi, tăng trưởng ngành du lịch. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch và sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch qua hoạt động liên kết, hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao sự đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh.

Bước vào năm mới 2022 cho đến hết năm 2022, trong Kế hoạch số 186/KH-UBND của UBND tỉnh, thời điểm này được xác định là giai đoạn 2 trong bối cảnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong nước cơ bản được kiểm soát, việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phố trong nước đã thuận lợi hơn trước. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh theo Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong giai đoạn này, việc đảm bảo an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch được đặt lên hàng đầu. Giải pháp là tiếp tục rà soát, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Phấn đấu đến hết quý I/2022, người lao động tại các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, đạt tỉ lệ 100%. Tiếp tục khảo sát, xây dựng, công bố “vùng xanh” về điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn và các cơ sở dịch vụ khác đảm bảo an toàn, phòng, chống COVID-19 để đưa vào thí điểm đón, phục vụ khách du lịch theo lộ trình, giai đoạn mở cửa.

Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch và chuyển đổi số. Tổ chức chiến dịch truyền thông khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch với thông điệp “Người Quảng Trị đi du lịch Quảng Trị”, “Du lịch Quảng Trị an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”… Tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip từ các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh đến khảo sát du lịch tại Quảng Trị. Nghiên cứu, đề xuất triển khai cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh; thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn tại một số di tích, danh thắng, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tăng cường liên kết, hợp tác và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Tổ chức chuẩn bị tốt nội dung, chương trình, kịch bản phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tăng cường quảng bá để thu hút sự quan tâm của khách du lịch về các lễ hội đầu xuân Nhâm Dần, Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch biển, đặc biệt là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị ; 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ …

Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn làm mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… nhất là tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo để xúc tiến, quảng bá và kích cầu phát triển du lịch. Tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá ở đảo Cồn Cỏ. Tiếp tục khảo sát, xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm tour du lịch “Hệ thống khai thác nước giếng cổ Gio An- Lịch sử và huyền thoại”.

Rà soát, điều chỉnh các nội dung, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các tỉnh trong khu vực và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây phù hợp với điều kiện bình thường mới. Đồng thời liên kết với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh để xây dựng, tổ chức các tour liên tỉnh, liên vùng, nhất là với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với giá ưu đãi và cam kết về chất lượng đảm bảo có tính cạnh tranh cao.

Điều quan trọng là tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động, người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030…/.

Theo Báo Quảng Trị

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×