Quảng Ninh: Xây dựng "Gia đình văn hóa" gắn với "Gia đình học tập"
20/05/2024 | 08:44Xác định phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" gắn với xây dựng "Gia đình học tập", tiến tới "Xã hội học tập" đóng vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển thịnh vượng của một quốc gia, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào lan tỏa sâu rộng. Qua đó, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, việc triển khai các nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng, thu hút được sự tích cực tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào cũng thúc đẩy mạnh mẽ, tạo sự kết nối chặt chẽ trong hoạt động của các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Công dân học tập", "Cộng đồng học tập", "Xã hội học tập" gắn với xây dựng "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa". Theo đó, trong bảng chấm điểm để xét các danh hiệu "Gia đình văn hoá" đều có tiêu chí cụ thể về việc tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài của mỗi gia đình.
Xác định gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập là nền tảng xây dựng xã hội học tập, vì vậy, Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động, chỉ đạo thực hiện việc đăng ký phấn đấu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" và "Công dân học tập", tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, kiểm tra đánh giá, bình xét công nhận.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình, dòng họ có cách làm hay để lan tỏa tinh thần hiếu học, xây dựng phong trào học tập. Trong đó, có việc thành lập ban khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời động viên, khen thưởng, khuyến khích những con em có thành tích học tập tốt. Mỗi lần gặp mặt biểu dương, khen thưởng cũng là dịp gia đình, dòng họ giáo dục ý nghĩa quan trọng của việc học đối với mỗi người, gia đình và cộng đồng, tạo khí thế thi đua học tập nói riêng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước nói chung, cổ vũ các thành viên chung tay xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, văn minh, tiến bộ.
Đồng chí Hồ Chí Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Qua đánh giá, hầu như các "Gia đình văn hóa" cũng là những "Gia đình học tập". Triển khai thực hiện phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Gia đình học tập", các gia đình đã nâng cao ý thức, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất để ổn định, nâng cao cuộc sống; hưởng ứng các hoạt động, mô hình tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở khu dân cư; tham gia phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội cũng như thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Từ việc gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” với các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” và “Cộng đồng học tập” đã xây dựng môi trường văn hóa toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 95% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 73% gia đình đạt “Gia đình học tập”.
Trong 5 năm qua, hàng trăm nghìn "Gia đình học tập" được thẩm định và được cấp có thẩm quyền công nhận "Gia đình học tập xuất sắc" cũng là những điển hình tiêu biểu trong xây dựng "Gia đình văn hóa", như: Gia đình ông Làu Tằng Sáng (người dân tộc Sán Dìu ở bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà); gia đình ông Vũ Văn Hiển (khu Tràng Bạch, phường Hoàng Quế, TX Đông Triều); gia đình ông Tằng Vằn Nàm (dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu); gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên)...
Việc phấn đấu trở thành "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" đang dần trở thành hành động tự giác, lan tỏa tạo nên phong trào phát triển mạnh mẽ tại mỗi địa phương. Để tiếp tục phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng "Gia đình học tập", thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, gắn với xây dựng "Gia đình văn hóa", mỗi gia đình cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình để có tri thức, lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, “tế bào” lành mạnh của xã hội.
Cùng với đó, mỗi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành công dân tốt… Qua đó, nâng cao tinh thần, ý thức tự học tập của người dân, động viên việc học tập suốt đời trong cộng đồng khu dân cư, góp phần vào sự phát triển bền vững của từng địa phương.