Quảng Ninh: "Truyền lửa" gìn giữ văn hóa truyền thống
18/10/2018 | 14:54Trong Tuần Văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ II-2018 diễn ra tại huyện Tiên Yên, nhiều du khách rất thích thú khi xem các màn trình diễn hát, múa của bà con các dân tộc vùng Đông Bắc.
Để có được những tiết mục đặc sắc này là nhờ sự góp phần không nhỏ của nhiều người cao tuổi (NCT) trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho lớp người kế cận.
Người cao tuổi huyện Tiên Yên trong tiết mục mở màn chương trình văn nghệ
Tuần Văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc Quảng Ninh lần thứ II-2018.
Già làng Lỷ A Sáng, thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, cho biết: “Lớp trẻ nhiều khi mải chạy theo cái mới mà sao nhãng với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, NCT chúng tôi luôn sẵn sàng đi đầu, để giữ được những nét văn hóa của dân tộc”. Hằng năm, trong Lễ hội Văn hóa dân tộc Sán Chỉ được tổ chức ở các xã Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên), bà con được chứng kiến hội Cầu Mùa do già làng Lỷ A Sáng trong vai trò thầy cả, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống tốt tươi. Ông Sáng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” năm 2014, vì đã có công truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an, lối hát Soóng Cọ, chữ viết, các điệu múa đặc trưng của người Sán Chỉ cho thế hệ sau. Đội Văn nghệ của xã do ông làm chủ nhiệm cũng hoạt động rất hiệu quả.
Cùng tham gia hát múa trong Tuần Văn hóa còn có ông Hoàng Văn Hoa, 62 tuổi, sống ở thôn Khe Hố, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Ông Hoa là người thực hành truyền dạy chữ Nôm, nghi lễ cấp sắc và hát đối của dân tộc Dao cho nhiều người. Từ năm 1987, ông đã làm thầy chính trong các lễ cấp sắc không chỉ trong huyện Tiên Yên mà ở cả huyện Ba Chẽ cùng nhiều xã ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 2012, nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao khỏi bị mai một, thông qua chi bộ thôn, chính quyền xã, ông Hoa đầu tư cơ sở vật chất mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao tại nhà. Trong số học trò của ông có 10 người xuất sắc viết, đọc chữ Nôm Dao thành thạo và đã trở thành thầy chính trong các lễ cấp sắc gia đình.
Tại Tuần Văn hóa, tôi được gặp nhiều NCT tâm huyết và có công với việc bảo tồn, truyền dạy cho con cháu giữ gìn truyền thống của cha ông. Như bà Đoàn Thị Thanh Hải, khu 2, thị trấn Ba Chẽ đã có 40 năm truyền dạy cho học sinh về cách thêu thùa hoa văn quần áo của dân tộc mình và hát các bài hát truyền thống. Bản thân bà Hải đã giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tiếng hát NCT do Ban Đại diện Hội NCT tỉnh tổ chức.
Huyện Bình Liêu cũng mang đến Tuần Văn hóa tiết mục hát Then. Hiện nay, toàn huyện có 11 CLB hát Then được thành lập ở các xã, trường học. Để các CLB hoạt động hiệu quả có sự đóng góp không nhỏ của NCT. Nghệ nhân dân gian Lương Thiên Phú, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ xã Tình Húc, có nhiều công khôi phục tiếng hát Then, truyền lửa đam mê cho lớp trẻ. Ông đã thành lập đội văn nghệ thôn Chang Nà, xã Tình Húc đã mấy chục năm nay. CLB Hát Then này do ông Phú làm Chủ nhiệm và đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của tỉnh, huyện. Những năm qua, để bảo tồn tiếng hát Then, nhiều xã miền Đông của tỉnh đã mở lớp dạy hát và mời Nghệ nhân Lương Thiên Phú đến truyền dạy. Ông tham gia nhiệt tình với tinh thần tự nguyện là chính, mong muốn của ông là “truyền lửa” cho lớp trẻ để chúng không quên được tiếng hát của dân tộc mình./.
Theo baoquangninh.com.vn