Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa

06/09/2022 | 10:36

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh sẵn có và chú trọng xây dựng trải nghiệm tại điểm đến là cách làm của ngành Du lịch Quảng Ninh để hiện thực hóa mục tiêu điểm đến 4 mùa.

Mở cửa toàn diện và trải nghiệm trọn vẹn

Từ 15/3/2022, du lịch mở cửa trở lại toàn diện. Lễ phát động mở lại hoạt động du lịch đánh dấu chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt được Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) nói: “Lựa chọn Quảng Ninh để nhấn nút mở cửa lại toàn diện du lịch vì Quảng Ninh là một điểm đến lớn, một điểm sáng của du lịch Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tài nguyên và sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Những sản phẩm du lịch của Quảng Ninh xứng tầm để mời gọi du khách trong nước và quốc tế. Kích hoạt tại Quảng Ninh đồng nghĩa với mở cửa du lịch trên phạm vi cả nước và chúng tôi kỳ vọng ở sự thành công khi bấm nút tại Hạ Long sẽ mở ra một thời kỳ mới, du lịch Việt Nam sẽ vươn lên tầm cao mới”.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 1.

Lễ phát động mở lại hoạt động du lịch với chủ đề "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn" diễn ra tại Quảng Ninh ngày 22/3/2022.

Thực tế, trước thời điểm mở cửa chính thức 15/3, Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện và phương án chào đón du khách trở lại. Tỉnh tiếp tục duy trì áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử đến hết tháng 6/2022; ban hành chương trình kích cầu du lịch với 65 sự kiện văn hóa, thể thao cấp tỉnh và địa phương; chuẩn bị chu đáo cho SEA Games 31, Ngày Quốc tế Yoga và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Với việc chủ động xây dựng chương trình thu hút khách du lịch năm 2022, mục tiêu của Quảng Ninh là đón 10 triệu khách, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và địa điểm du lịch, để có được chất lượng dịch vụ tốt nhất. Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch biển đảo, du lịch thương mại, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch MICE. Chúng tôi cho rằng trong câu chuyện mở cửa lại du lịch cũng cần tập trung cho công tác quảng bá để truyền thông tới du khách về cơ chế, chính sách, điều kiện của du lịch Quảng Ninh, khẳng định Quảng Ninh là điểm đến an toàn, hấp dẫn, sẵn sàng chào đón du khách trở lại.

Du lịch tâm linh hút khách không chỉ mùa xuân

Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, du khách chủ yếu đi lễ chùa, lễ đền vào mùa xuân. Làn sóng “du xuân” thường kéo dài từ Tết Nguyên đán đến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Đây cũng là thời gian cao điểm của du lịch tâm linh. Nhưng qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, nhiều lần phải đóng cửa đúng vào thời gian cao điểm, các điểm đến dần phải thích ứng để hấp dẫn du khách vào các tháng thấp điểm, bằng cách triển khai mô hình du lịch mới, gia tăng tính trải nghiệm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 2.

Yên Tử là điểm đến tâm linh hấp dẫn 4 mùa.

Điểm sáng cho du lịch tâm linh 4 mùa phải kể đến Yên Tử. Dưới chân ngọn núi thiêng, khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử và Làng Nương do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, luôn kín phòng vào dịp cuối tuần, ngày thường công suất phòng ở đây duy trì gần 40%. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thống chùa, am, tháp cổ kính, linh thiêng có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc tạo khác biệt để Yên Tử hút khách. Sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp về cơ sở vật chất và hoạt động trải nghiệm cũng góp phần tăng thêm sức hút cho điểm đến, khiến du khách mong muốn lưu lại Yên Tử lâu hơn và trở lại nhiều lần hơn.

Vượt hơn 1.000 cây số từ TP Hồ Chí Minh tới Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đến Yên Tử vào dịp lễ Vu Lan. Chị cho hay, kế hoạch ban đầu của chị và gia đình là đi cáp treo lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng dâng hương cầu chúc sức khỏe, bình an. Tuy nhiên, khi được biết về chương trình trải nghiệm “Thu sang mùa hiếu hạnh” với các hoạt động như thiền hoa đăng, trải nghiệm lớp học nấu ăn dành cho cả gia đình và đêm nhạc chủ đề Mùa Vu Lan, chị và người thân đã quyết định đặt phòng nghỉ lại qua đêm để có đủ thời gian tham gia tất cả các hoạt động.

Đến Yên Tử tham gia vào các hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe như tập thiền, tập yoga, trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tại Am Tuệ Tĩnh… cũng là cách để du khách phục hồi toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Với những hoạt động trải nghiệm mang tính gắn kết và hướng tới chăm sóc sức khỏe cho du khách, Yên Tử đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các gia đình khi muốn có khoảng thời gian trọn vẹn bên nhau và cùng hướng tới vun đắp các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Anh Nguyễn Văn Hà, hướng dẫn viên Công ty Lữ hành Hi Travel (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: Nếu như trước đây du khách chủ yếu đến Yên Tử vào mùa xuân thì nay họ đến vào bất cứ thời gian nào trong năm, bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Từ khi được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ với quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, không gian văn hóa Làng Nương mang đậm dấu ấn của một ngôi làng Việt cổ, du khách lại càng thích thú với Yên Tử hơn. Bởi ngoài những góc chụp ảnh đẹp, họ còn có cơ hội được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm làng nghề truyền thống, như làm nón, làm tranh Đông Hồ, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, tham gia đêm hội làng… Những trải nghiệm đó cho du khách cảm giác được trở về tuổi thơ, được thư giãn tinh thần.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm nghề truyền thống tại Làng Nương Yên Tử.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Thông qua các đơn vị lữ hành, chúng tôi nắm bắt nhu cầu của du khách và từ việc nghiên cứu nhu cầu của khách, các chuyên gia xây dựng sản phẩm của chúng tôi sẽ thiết kế làm sao để du khách đến Yên Tử đều được mạnh khỏe, thấy được Yên Tử là một nơi thanh bình để họ cân bằng giữa thân, tâm và trí. Bên cạnh đó, những chế độ về thực dưỡng, phong cảnh của Yên Tử cũng góp phần tiếp thêm cho du khách nguồn năng lượng mới tích cực.

Cùng với Yên Tử, các điểm đến tâm linh nổi tiếng của Quảng Ninh như Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông - Cặp Tiên cũng chú trọng đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ đón khách thập phương trong 4 mùa.

Ông Phạm Thành Trung, Trưởng BQL Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, cho biết: Dù là ngoài xuân, lượng khách tới đền Cửa Ông vẫn duy trì ổn định. Tháng 4, Đền đón trên 37.000, tháng 5 đón gần 27.000, tháng 6 đón trên 20.000 khách thập phương tới tham quan, dâng lễ. Lượng khách phục hồi, thậm chí có thời điểm tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (trước khi xảy ra dịch Covid-19). Dịp cuối tuần, các đoàn khách hàng trăm người ghé thăm đền Cửa Ông trong hành trình tour Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô.

Du lịch biển “nóng” vào mùa hè

Sau thời gian dài phải ở nhà phòng chống dịch, nhu cầu đi du lịch của người dân được ví như “lò xo nén” có thể bật mạnh khi các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách được dỡ bỏ. Lượng khách tới Quảng Ninh tăng dần và đạt đỉnh vào các tháng hè. Du lịch biển tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng lớn nhất của du lịch Quảng Ninh khi liên tục bứt phá và xô đổ các kỷ lục.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 4.

Cao điểm du lịch hè, tàu tham quan Vịnh Hạ Long luôn tấp nập.

Tổng lượng du khách tới Quảng Ninh 7 tháng năm 2022 ước đạt 6,9 triệu lượt, tăng 268%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 296% so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 7, TP Hạ Long - trung tâm du lịch lớn nhất của Quảng Ninh, nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đón 4,7 triệu khách, bằng 104,4% kịch bản tăng trưởng của năm 2022; doanh thu từ du lịch ước đạt 9.249 tỷ đồng, tương đương với 415% so với cùng kỳ năm trước.

Các khu, điểm du lịch biển đảo ở Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) hay Trà Cổ (TP Móng Cái), huyện đảo Cô Tô, được nhiều du khách lựa chọn. Riêng tại Cô Tô, 7 tháng năm 2022 đón trên 180.000 lượt khách (275.800 ngày lưu trú), tăng 3,6 lần so với cả năm 2021, doanh thu ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 377,6% so với cùng kỳ.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 5.

Du lịch Cô Tô đón khách và phục hồi sau khi du lịch mở cửa.

Các điểm đến gần biển và hướng biển do doanh nghiệp đầu tư cũng ghi nhận sự phục hồi rõ rệt. Cụ thể, lượng khách đến với SunWorld Ha Long Complex 7 tháng qua đạt trên 1 triệu lượt, tăng gần 500% so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 1,45 triệu lượt khách tham quan Vịnh Hạ Long thông qua Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu...

Sự hồi sinh của du lịch biển được đánh giá là ngoạn mục nhất, song cũng được cảnh báo là “quá nóng”, gây ra tình trạng quá tải của điểm đến, tạo sức ép lên hạ tầng du lịch, môi trường, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dịch vụ. Vì vậy, đâu đó trong guồng quay hối hả của sự phục hồi, vẫn có những phàn nàn, không hài lòng, vẫn có những đánh giá 1 sao…, ít nhiều làm tổn hại hình ảnh chung của du lịch Quảng Ninh.

Anh Kiều Văn Giới, hướng dẫn viên Công ty TNHH Dịch vụ lữ hành Sen Việt, chia sẻ: Du lịch Hạ Long đặc biệt đông từ 30/4, 1/5 đến tầm giữa tháng 8. Khách từ khắp nơi đến Hạ Long dẫn đến tình trạng quá tải về dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, thậm chí là điểm tham quan như Vịnh Hạ Long. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, từ nhân viên cảng vụ đến tàu du lịch làm việc không chỉ 100% mà có khi 200% công suất để đáp ứng nhu cầu của khách. Có những hôm tàu thuyền quá tải, khách đến Hạ Long không đủ phương tiện để được tham quan Vịnh.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 6.

Khu vực công viên Sun World Ha Long Complex và Phố cổ đông đúc trở lại trong mùa du lịch hè 2022.

Để phát triển bền vững du lịch biển, tránh tình trạng quá tải vào mùa hè và thưa vắng khách vào mùa đông, nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý nhà nước tham vấn chuyên gia trong ngành. Tiến sĩ Celal Kaplan thuộc Tập đoàn Tư vấn KIRAN (Hoa Kỳ), đơn vị đang tiến hành đánh giá sức tải du lịch trên Vịnh Hạ Long, khẳng định: Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với tình trạng quá tải cục bộ tại một số điểm tham quan vào một số thời điểm nhất định. Để tránh tình trạng này, cần phải áp dụng các công cụ quản lý thông minh để điều tiết lượng tàu và lượng khách. Tăng cường sự kết nối giữa các bên để điều phối các tàu tham quan theo hướng dàn đều giữa các cảnh điểm, phân bố đan xen, nhịp nhàng cũng như thực hiện các biện pháp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ Di sản tới du khách. Việc quản trị tốt không chỉ tăng được lượng khách có thể tiếp nhận, mà còn đảm bảo lợi ích cho các bên.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, gợi mở cần sử dụng các công cụ kinh tế và truyền thông để điều chỉnh hành vi của du khách, điều phối lượng khách theo hướng giảm nhu cầu vào dịp cao điểm và kích cầu, tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao để hấp dẫn du khách vào các tháng thấp điểm.

Giữ đà phục hồi mùa thu đông

Sau tháng 8, khách du lịch nội địa sẽ giảm mạnh. Du lịch Quảng Ninh sẽ trông chờ vào nguồn khách nào?

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, thông thường hết mùa khách nội địa, du lịch sẽ gối sang mùa khách tàu biển và đón khách nước ngoài, trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Năm nay, ngay cả khi du lịch mở cửa toàn diện vẫn có nhiều rào cản hạn chế khách nước ngoài đến Việt Nam. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh tại những thị trường khách chính của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp: Trung Quốc - thị trường khách lớn nhất đến Quảng Ninh, vẫn theo đuổi chiến lược "Zero Covid"; Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn áp dụng chính sách xuất, nhập cảnh khá nghiêm ngặt do dịch bệnh. Thứ hai, dòng khách đến từ Nga cũng bị chặn đứng do tình hình chiến sự leo thang với Ukraine. Thứ ba, chính sách visa của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng, giới hạn miễn 15 ngày khiến các đơn vị lữ hành khó khăn khi thu hút dòng khách có chi tiêu cao, đến từ những thị trường xa. Cho nên, nguồn khách du lịch nước ngoài đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 7.

Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả) là sản phẩm du lịch 4 mùa rất thành công, do Sun Group đầu tư tại Quảng Ninh.

Từ góc độ doanh nghiệp, nâng cấp các sản phẩm du lịch sẵn có, nghiên cứu, ra mắt các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ổn định nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho lao động vẫn là những giải pháp cần đẩy mạnh triển khai những tháng cuối năm, nhằm thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao, không phân biệt khách nội địa hay khách nước ngoài, từ đó giữ đà phục hồi du lịch.

Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành vùng Đông Bắc Tập đoàn Sun Group, cho biết: Để gia tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh vào mùa thu đông, Sun Group sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, giải trí hấp dẫn, triển khai các gói combo 3S kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và bất động sản hạng sang; đồng thời tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm kích cầu, thu hút du khách. Đại diện Sun Group cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Quảng Ninh và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh để trao đổi, hợp tác, đưa ra những gói sản phẩm và dịch vụ mới, phù hợp, góp phần đưa Quảng Ninh từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa.

Quảng Ninh: Trải nghiệm 4 mùa - Ảnh 8.

Nhiều sự kiện âm nhạc, nghệ thuật quy mô hoành tráng được Sun Group tổ chức trong mùa thu đông, hấp dẫn du khách.

Xác định liên kết chính là sức mạnh để giữ đà phục hồi, ngành Du lịch Quảng Ninh đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên phạm vi quốc gia và khu vực. Tháng 8 vừa qua, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã trao đổi, làm việc với Sở Du lịch và các doanh nghiệp của TP Đà Nẵng để kết nối mở lại đường bay Vân Đồn - Đà Nẵng. Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ của Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành của Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong việc cung ứng các sản phẩm du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh và bàn giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Trong tháng 10, Quảng Ninh sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng EATOF lần thứ 17. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh tăng cường kết nối với các tỉnh/thành phố thành viên EATOF, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về du lịch, cùng phục hồi trong thời kỳ mới.

Thời tiết phân rõ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông là lợi thế để Quảng Ninh đa dạng hóa các sản phẩm, song cũng đặt ra những thách thức để phát triển du lịch bền vững, cân bằng. Nếu có thể phát huy tốt lợi thế thiên nhiên, văn hóa và con người, hạn chế tính mùa vụ của du lịch, thiết kế được các sản phẩm du lịch, trải nghiệm độc đáo, du lịch Quảng Ninh chắc chắn nâng tầm, trở thành điểm đến hấp dẫn, trọn vẹn 4 mùa không chỉ của Việt Nam mà cả trong khu vực.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×